MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Công thương lo EVN phá sản nếu không tăng giá điện

"Căn cứ vào tình hình “sức khỏe” tài chính của EVN, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo, nếu không điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới EVN sẽ phá sản".

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết như vậy khi trao đổi với Infonet ngày 26/1 về điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới.

Tham dự cuộc họp của tổ công tác liên ngành 4 bộ, Thứ trưởng Hải cho biết, đúng là tại cuộc họp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình 3 phương án đề xuất tăng giá điện.

Không tiết lộ các phương án cụ thể, song người phát ngôn Bộ Công thương chỉ nhấn mạnh, “trên cơ sở phương án trình của EVN các bộ đã tính toán tới sức chịu đựng của các thành phần kinh tế. Mức điều chỉnh cụ thể bao nhiêu phải tùy vào tình hình thực tế sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ sẽ cân nhắc quyết định”.

Theo ông tình hình “sức khỏe” tài chính của EVN hiện đang “rất nguy cấp” theo đánh giá của các chuyên gia WB. Thậm chí, WB cho rằng, nếu giá điện ở Việt Nam tiếp tục bán dưới giá thành như hiện nay mà không được điều chỉnh tăng thì EVN sẽ đứng trước nguy cơ quá sức chịu đựng trước các khoản nợ “khủng”, có thể sẽ bị phá sản.

“WB và các tổ chức quốc tế đều đồng tình phải tăng giá điện trên thị trường, thậm chí trong 3 năm phải tăng 40% nếu không EVN sẽ phá sản”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải quả quyết.

Trước quan điểm cho rằng, năng suất lao động, quản trị của EVN thiếu minh bạch, yếu kém nên dẫn tới lỗ khủng, nay lại muốn hạch toán chi phí lỗ vào giá thành điện để người tiêu dùng phải "gánh" là không công bằng, ông Hải phản bác, “không ai có thể nói EVN tăng giá chỉ để bù lỗ và cũng không thể nói chuyện tăng giá bù đắp được các khoản lỗ của EVN. Vấn đề mấu chốt là cần đưa giá điện tiến tới giá thị trường, chứ không nên làm bóp méo nó đi”.

Theo chính sách hỗ trợ giá điện dành cho người thu nhập thấp, người nghèo hiện nay, mỗi tháng các hộ thuộc diện nghèo được hỗ trợ 30kWh điện/tháng, tương đương khoảng 50.000 đồng/tháng. Chính sách này vẫn sẽ được duy trì nếu giá điện được điều chỉnh.

Với mức hỗ trợ này, theo vị Thứ trưởng Bộ Công thương, các hộ nghèo cũng không sử dụng hết.

Nhấn mạnh một lần nữa chuyện tăng giá điện là “chuyện chẳng đừng”,  người phát ngôn Bộ Công thương bày tỏ quan điểm, giá điện tăng sẽ khiến giảm sản lượng nhập khẩu điện giá cao từ Trung Quốc, hơn nữa sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài “đổ” vốn vào đầu tư lĩnh vực điện, thị trường mới có cạnh tranh và lành mạnh.

Một vấn đề tồn tại cũng được ông Hải chỉ ra, giá điện thấp Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (không kể doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước). Với chính sách này, không cẩn thận chúng ra rơi vào vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp ngoại đầu tư vào các lĩnh vực thép, xi măng… sử dụng nhiều điện nhưng lại được hưởng mứi giá rẻ, rồi Nhà nước lại bỏ tiền bù lỗ.

“Cuối cùng Nhà nước mình lại đi hỗ trợ cho nước ngoài, méo mó hết, không thị trường”- ông chốt lại.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của EVN, Tổng giám đốc EVN ông Phạm Lê Thanh “than thở”, tập đoàn này đang gặp rất nhiều khó khăn khi chưa được cân đối và không thể cân đối các khoản lỗ tồn dư, lỗ mới phát sinh. Theo tính toán, riêng khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối từ các nước trước tồn lại của EVN còn khoảng 8.800 tỷ đồng.  Lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng, chi phí lưới điện nông thôn… là 8.000 tỷ đồng. Tổng cộng khoản lỗ mà “ông lớn” ngành điện là 16.800 tỷ đồng. EVN cũng đề xuất Bộ Công thương được hạch toán phần lỗ chi phí mới phát sinh vào giá thành điện năm 2015.

Trong khi đó, Báo cáo của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, tổng lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.

Năm 2015, EVN cần tăng giá điện để … bù lỗ treo

Theo Nguyễn Hoài

PV

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên