MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: ĐBSCL phải trở thành vùng sản xuất nông sản hiện đại

Về lâu dài, các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác.

Chiều 11-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh có sản lượng lúa và thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu thấp. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề xuất trước mắt thực hiện tốt chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo; tăng cung cấp tín dụng cho nông dân trồng lúa để tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Các tỉnh trong vùng cần chỉ đạo chặt chẽ về cơ cấu giống, giảm tỷ trọng giống IR 50404 và các giống lúa chất lượng thấp khác xuống dưới 20% ngay từ vụ thu - đông 2013; chuyển một phần diện tích sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn (ngô, rau, đậu,...). 

Về lâu dài, các địa phương rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác. Đối với cá tra, tôm nước lợ, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; tăng cường xúc tiến thương mại, củng cố và phát triển thị trường truyền thống, các thị trường lớn và phát triển mở rộng thị trường mới; ưu tiên đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại các vùng sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương cũng đã kiến nghị với Thủ tướng nhiều giải pháp về liên kết vùng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng chủ lực của vùng, nâng cao đời sống nông dân. Vấn đề nổi lên là 2 năm gần đây giá xuất khẩu gạo giảm bình quân 10% - 15%; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa cũng đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục. 

Đối với cá tra, người nuôi và doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhằm giảm thiểu rủi ro, thậm chí một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại. Một số ý kiến nhận định, lỗ hổng lớn nhất hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nói riêng và nông sản nói chung là sự liên kết lỏng lẻo giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và trong mối quan hệ này, người sản xuất trực tiếp luôn yếu thế nhất, từ đó làm thiệt hại đến lợi ích của người nông dân, ảnh hưởng đến nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp của đất nước.

Phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế lớn nhất của ĐBSCL là sản xuất lương thực, trồng cây ăn quả, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua vấn đề sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Cụ thể sản xuất đang chậm lại, có sự giảm sút về sản lượng, thu nhập của người nông dân... 

Thực trạng giảm sút trong sản xuất nông nghiệp của vùng cho thấy hoạt động sản xuất còn mang tính chất kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún; không gắn kết theo chuỗi giá trị; cơ chế quản lý còn theo lối cũ; quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất... Đòi hỏi đặt ra đối với vùng là không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải đi lên theo hướng sản xuất lớn; phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phải có liên kết chặt chẽ trong sản xuất...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung hết sức lưu ý đến chuyển dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, trước hết là quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu; có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đi liền với đó, cần đặc biệt quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp gắn liền với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng thực hiện tốt chính sách thu mua tạm trữ lương thực; linh động cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; cơ cấu lại vốn vay cho người dân và doanh nghiệp theo hướng hợp lý; quan tâm đến công tác tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho người nông dân cũng như tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...

Theo Hoàng Nguyễn - An Giang

thunm

Sài Gòn giải phóng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên