Tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu đã có sự thống nhất chung
Để "kín kẽ" hơn, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định giá tính thuế TTĐB ở khâu bán ra của nhà nhập khẩu không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu (giá trị xe nhập thực tế tính đến cửa khẩu nhập + thuế nhập khẩu nếu có + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu).
- 29-09-2015Bộ Công Thương đề xuất tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trên 2.0
- 19-09-2015Thuế cao không “phanh” được đà tăng của ô tô tại Việt Nam
- 01-09-2015Ngân sách giảm thu 1.200 tỷ mỗi năm khi điều chỉnh thuế TTĐB với ô tô?
- 17-06-2015Giảm thuế nhập khẩu ô tô, doanh nghiệp sản xuất linh kiện gặp khó
Trước những băn khoăn của báo giới về sự không đồng thuận trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới đối với xe ô tô nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: Bộ Tài chính đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình từ các bộ, ngành, địa phương cũng như các hiệp hội, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu ô tô.
Cần thiết sửa đổi
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB, trong đó có quy định về giá tính thuế TTĐB.
Thực tế, theo quy định hiện hành, đối với hàng hóa sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất (gồm giá thành sản xuất + chi phí bán hàng trong nước) + lãi của người nộp thuế.
Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB là giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay thường được gọi là giá C.I.F) + thuế nhập khẩu.
Quy định này đã được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và trong thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc. Song, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô theo các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính thấy rằng, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi như hiện hành (với khác biệt không có chi phí bán hàng trong nước) ô tô nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng đã có kiến nghị gửi các cấp cho rằng giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng với hàng hóa sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế không có chi phí bán hàng trong nước và lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô để bảo đảm công bằng với hàng hóa nhập khẩu.
Hơn thế, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc thay đổi cách tính thuế TTĐB để đảm bảo công bằng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất trong nước cũng đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu trong Quyết định số 1211/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Đảm bảo công bằng
Trước khi đưa ra đề xuất, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và được biết có 2 nhóm nước quy định giá tính thuế TTĐB khác nhau.
Nhóm thứ nhất gồm Hàn Quốc, Israel, Mehico, Australia, Phần Lan, Áo, Chile, Philippines có giá tính thuế TTĐB là giá bán buôn hoặc gỉá bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng đối với cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Theo nhóm này, giá tính thuế TTĐB sẽ bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của người nộp thuế không phân biệt cơ sở sản xuất hay cơ sở nhập khẩu và có nhiều trường hợp thu trên cả chi phí khâu lưu thông thương mại đến người tiêu dùng cuối cùng.
Nhóm thứ hai gồm Indonesia, Thái Lan, Cam-pu-chia, Malaysia có sự phân biệt giữa hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước. Trong đó, giá tính thuế TTĐB hàng nhập khẩu là giá C.I.F + thuế nhập khẩu; hàng hóa sản xuất trong nước là giá bán tại kho nhà máy (chưa gồm chi phí bán hàng, vận chuyển).
Xuất phát từ vướng mắc về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu, căn cứ quy định của Luật thuế TTĐB và cân nhắc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án tính thuế mới, trong đó giá tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu = giá nhà NK bán ra (giá C.I.F + thuế nhập khẩu + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu) + chi phí bán hàng trong nước.
Mặt khác, qua tính toán, Bộ Tài chính nhận thấy, chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu ô tô là khác nhau và tùy từng loại xe nhưng mức tối thiểu của chi phí này khoảng 5% tính trên giá vốn xe nhập khẩu (bao gồm giá trị xe nhập thực tế tính đến cửa khẩu nhập, thuế nhập khẩu và thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu).
Như vậy, để "kín kẽ" hơn, Bộ Tài chính cũng đề nghị quy định giá tính thuế TTĐB ở khâu bán ra của nhà nhập khẩu không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu (giá trị xe nhập thực tế tính đến cửa khẩu nhập + thuế nhập khẩu nếu có + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu).
Phương án này đảm bảo giá tính thuế TTĐB đối với ô tô nhập khẩu luôn luôn bao gồm chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu.
Những đề xuất nói trên đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều hội thảo với các hiệp hội, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.
Các nội dung này đã nhận được ý kiến đồng tình của các đơn vị, doanh nghiệp và đã được Bộ Tài chính hoàn thiện, đưa vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TTĐB trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.