MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM đã “tăng trưởng hợp lý” trong 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm GDP tăng 8,1% là mức tăng trưởng hợp lý nếu xét trong bối cảnh khó khăn chung, Phó chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 của HĐND Tp.HCM sáng 11/7.

Diễn ra từ 11 - 13/7, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân Tp.HCM sẽ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2012, thảo luận giải pháp tháo gỡ những khó khăn kinh tế và xem xét thông qua sáu tờ trình của UBND thành phố về tăng mức thu một số loại phí, lệ phí trên địa bàn...

Theo báo cáo của UBND thành phố, 6 tháng đầu năm GDP trên địa bàn ước đạt 288.591 tỷ đồng, tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 9,9%). Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2012 từ 10% trở lên thì trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế của thành phố phải đạt trên 11%. Phó chủ tịch Thuận cho biết thành phố sẽ triển khai nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu này.

Đi liền với thách thức về chỉ tiêu GDP là số thu ngân sách, theo phân tích của Ban Kinh tế - ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo của UBND thành phố, thì đối với những khoản cùng kỳ năm trước tăng, thì nay giảm sút hoặc tăng thấp; khoản cùng kỳ năm trước giảm, thì nay tốc độ giảm nhiều hơn.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 102.317,6 tỷ đồng, đạt 44,17% dự toán, giảm 1,51%. Tổng chi ngân sách địa phương ước 22.134,3 tỷ đồng, đạt 51,7% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 11.734,8 tỷ đồng, đạt 102,94% dự toán, tăng 3,78% so cùng kỳ; chi thường xuyên 10.258,7 tỷ đồng, đạt 43,1% dự toán, tăng 26,09%.  

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 56.189 tỷ đồng tăng 10,2% so với cùng kỳ, trong đó, chi từ nguồn vốn ngân sách ước đạt 11.734,82 tỷ đồng, đạt 102,94% dự toán và tăng 3,78% so với cùng kỳ (vượt dự toán năm).

Việc chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 2,05% so tháng 12 năm 2011 được nhìn nhận là tín hiệu tích cực cho thấy những giải pháp mà thành phố đã và đang triển khai như: chương trình bình ổn thị trường, vận động các hộ kinh doanh nhà trọ, giữ trẻ cam kết không tăng giá... đã phát huy hiệu quả nhất định trong việc kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

“Tuy nhiên, cần quan tâm hơn và có giải pháp đối với dấu hiệu giảm phát đang hình thành như hiện nay”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Liên quan đến các vấn đề cử tri bức xúc, báo cáo thẩm tra “điểm mặt”quy hoạch, quản lý quy hoạch, giao thông đô thị, chống ngập, nước sạch, ô nhiễm môi trường... với lưu ý các vấn đề này đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh đời sống sinh hoạt của người dân thành phố.

Được nhấn mạnh đặc biệt là tình hình khó khăn của doanh nghiệp, khi trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp (tăng 23% so với cùng kỳ) với tổng quy mô vốn đến 5.260 tỷ đồng hoàn tất thủ tục giải thể tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, hàng nghìn doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố cũng đang gửi thông báo tạm ngưng hoạt động.

Phó chủ tịch Thuận báo cáo, thời gian còn lại của năm nay, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về lãi suất, miễn giảm thuế, hỗ trợ thị trường… để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thành viên của Ban Kinh tế - ngân sách, đại biểu Văn Đức Mười,  cần tháo gỡ ngay từ trong điều kiện cho vay bằng việc khoanh lại nợ, tạo chu kỳ cho vay mới. Vì, có vốn vay, doanh nghiệp mới có vòng quay chu kỳ sản xuất mới, cộng thêm việc giãn, giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp tạo giá thành thấp, kích thích tiêu thụ.

Đồng thời, các buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến, từ đó chỉ đạo các ngành, các cấp có biện pháp tháo gỡ trong thẩm quyền của thành phố và kiến nghị Chính phủ có những giải pháp mang tính vĩ mô hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được UBND thành phố thực hiện cũng cần được duy trì trong nửa cuối năm.

Theo Nguyễn Vũ
VnEconomy

cucpth

Trở lên trên