MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM dành 1.000 tỉ đồng phát triển năng lượng tái tạo

TPHCM sẽ dành khoản đầu tư 1.000 tỉ đồng cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2011-2015, theo quyết định 6493/QĐ-BCT của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tại TPHCM cho giai đoạn này.

Dự kiến đến năm 2015, TPHCM sẽ xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi tại xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi có quy mô tối đa đến 40 MW. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ rác, gió và điện mặt trời, để vừa sản xuất điện năng, vừa giải quyết các vấn đề môi trường.

Theo quyết định phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, TPHCM cần gần 21.000 tỉ đồng để đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại trung tâm kinh tế này.

Ngoài số vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, TPHCM cũng sẽ cần trên 8.300 tỉ đồng để phát triển lưới trung áp, 7.100 tỉ đồng để phát triển lưới 110 kV và bù cao áp, 2.700 tỉ đồng cho lưới 220 kV và 1.500 tỉ đồng cho lưới hạ áp.

Theo quy hoạch được duyệt, đến năm 2015 thì công suất cực đại của hệ thống điện TPHCM đạt 4.800 MW, với sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 28,3 tỉ kWh, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 là 12,9%/năm.

Trong giai đoạn 2011-2015, TPHCM sẽ ngầm hóa hết các lưới điện trung áp của các khu đô thị mới, khu công nghiệp. Cụ thể, các quận 1, 2, 3, 4, 5, 10, 11 sẽ được ngầm hóa 100%; các quận 6, 7, 8, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức đạt tỷ lệ ngầm hóa lưới điện 85%; và các quận huyện còn lại đạt tỉ lệ ngầm hóa từ 20-40%.

 Theo Văn Nam

TBKTSG


cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên