MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM không cấp vốn cho dự án chưa cấp thiết

Trong bối cảnh thắt chặt đầu tư công, làm thế nào để đảm bảo cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và thu hút đầu tư là một vấn đề đặt ra cho TP.HCM.

Đây được xem là một trong những chủ đề chính của kỳ họp thứ 2, HĐND TP.HCM khóa VIII diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/7.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết về những giải pháp liên quan đến vấn đề này.

Thưa ông, kế hoạch phân bổ vốn cho các dự án hạ tầng của TP.HCM trong năm 2011 ra sao và vốn được sẽ được thu xếp từ các nguồn nào?

Thành phố đang tập trung triển khai các dự án tuyến đường sắt Metro số 1 từ nguồn vốn ODA của JBIC (Nhật Bản); tuyến đường sắt Metro số 2, 3 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) và Ngân hàng KfW (Đức). Còn tuyến Metro số 5 do Chính phủ Tây Ban Nha cam kết tài trợ ODA khoảng trên 833 triệu euro.

Các công trình giao thông trọng điểm khác như Tỉnh lộ 10B, Tỉnh lộ 10 từ Long An đến cầu Tân Tạo; cải tạo bờ Bắc, bờ Nam kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hoàn thiện nút giao thông Gò Dưa, cầu Phú Long, cầu Rạch Tra, sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Thị Thập… sẽ được tiếp tục triển khai, một phần từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA hoặc đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).

Những dự án hạ tầng nào sẽ được ưu tiên phân bổ vốn, thưa ông?

Thành phố sẽ không ưu tiên cấp vốn cho các công trình chưa có đầy đủ hồ sơ, các dự án chưa cấp thiết cho đầu tư đồng bộ kết nối hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững.

Thành phố sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho các dự án đường sá, bến bãi, xử lý ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục… Ngoài ra, Thành phố cũng tranh thủ các dự án ODA phục vụ các tuyến Metro, đường sắt, đường trên cao, thoát nước, chống ngập…

Lãnh đạo Thành phố luôn tranh thủ các nguồn vốn bằng cách đẩy mạnh các cam kết, đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư… Hơn nữa, Thành phố đang tiến hành thủ tục cho các dự án BT, BOT như bãi đậu xe ngầm sân vận động Hoa Lư, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 2, các tuyến đường trên cao…

Để tránh tình trạng lãng phí trong đầu tư cơ sở hạ tầng, lãnh đạo TP.HCM có những giải pháp cụ thể gì để khắc phục tình trạng đầu tư không tương thích giữa các công trình hạ tầng của Thành phố?

Thành phố sẽ tăng cường công tác hoàn thiện quy hoạch, giám sát thi công đảm bảo triển khai các công trình theo đúng tiến độ. Việc đưa các dự án hoạt động đúng tiến độ sẽ tiết giảm rất nhiều chi phí và hạn chế lãng phí.

Những dự án triển khai chậm sẽ làm hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí lớn về tiền của cũng như tạo ra tâm lý bức xúc cho người dân. Vì vậy, các dự án phải được triển khai đồng bộ, kết nối với nhau một cách hoàn chỉnh.

Lãnh đạo Thành phố đã rút ra bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua. Sắp tới, các dự án phải làm dứt điểm, tránh dàn trải vì nguồn vốn hạn hẹp và làm ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Theo Hoàng Hải

Báo Đầu Tư

duclm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên