MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM tác động lan tỏa phát triển KT-XH các tỉnh phía Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của TPHCM  trong 3 thập niên vừa qua đã tác động lớn đến sự phát triển KT-XH đất nước nói chung nhưng rõ nhất là ở các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, TPHCM có vị trí địa lý quan trọng nhờ mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đồng bộ; là nơi kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không với khu vực Đông Nam Á liên thông vào mạng lưới giao thông chung với châu Á và thế giới.

Bên cạnh đó, TPHCM còn là trung tâm của khu vực Nam Bộ nối liền với ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ. Đồng thời, với vai trò là trung tâm thương mại-công nghiệp, TPHCM là cửa ngõ tiền tiêu, “chìa khóa” để mở cửa vùng ĐBSCL trù phú, là cầu nối giữa vùng Nam Bộ với vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vai trò của TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ rõ rệt trong những năm qua.

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước cho biết TPHCM đã có nhiều chương trình, dự án kết nối hỗ trợ các địa phương khác cùng phát triển.

Nhờ có chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 địa phương nên đã được TPHCM chuyển giao, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi… từ đó, Bình Phước có thêm điều kiện phát triển các mặt hàng nông lâm sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời giải quyết công việc làm cho người dân địa phương…

Cũng là một tỉnh có sự liên kết chặt chẽ với TPHCM, ông Trần Văn Lực, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An cho rằng, sự phát triển của TPHCM đã tác động lớn đến các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Với Long An, sự liên kết giữa 2 địa phương đã tạo điều kiện cho các DN của tỉnh tiêu thụ hàng hóa, giới thiệu sản phẩm tại TPHCM. Đặc biệt, từ các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư do TPHCM tổ chức, hàng hóa của tỉnh Long An từng bước tham gia vào các hệ thống siêu thị và tạo đà cho xuất khẩu của tỉnh.

Hiện nay, tại Long An có gần 100 DN TPHCM đang đầu tư với tổng số vốn thực tế trên 26.000 tỷ đồng, trong đó có 23 KCN với tổng diện tích 8.042 ha, chiếm 73,3% tổng diện tích đất đã quy hoạch của 30 KCN của tỉnh. Bên cạnh đó, ở các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản dịch vụ các DN của TPHCM cũng đang đứng đầu tại Long An.

Trong nhiều năm nay, các DN TPHCM đã giúp Long An tăng trưởng mạnh mẽ trong nông nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản.

Cụ thể các DN như Vinamilk, Công ty Foremost đã bao tiêu trên 90% lượng sữa nguyên liệu của tỉnh; Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty thuốc Bảo vệ thực vật Sài Gòn đầu tư toàn bộ quá trình trồng bắp và tiêu thụ bắp cho cả tỉnh; Công ty Dầu thực vật hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam thu mua hạt vừng ở các huyện Đức Huệ, Tân Hưng…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hưng, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò thành phố động lực, TPHCM cần thúc đẩy phát triển các ngành trọng tâm như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, hàng hoá có giá trị xuất khẩu cao, từ đó tạo tác động lan tỏa, gắn kết và hỗ trợ các tỉnh lân cận cùng phát triển theo định hướng chung.

>>>TPHCM: Tăng tốc CPH DN trong năm 2015

Theo Thanh Thuỷ

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên