MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trao đổi kinh nghiệm chống tham nhũng trong các dự án ODA

Việc tăng cường trao đổi, tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế trong việc chống tham nhũng và gian lận đóng vai trò quan trọng đến thúc đẩy nền kinh tế và tăng lòng tin xã hội.

Nhiều thách thức trong chống gian lận các dự án ODA

Tại Hội nghị cấp cao “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam” do Bộ KH&ĐT phối hợp với WB tổ chức ngày 20/1, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, thời gian qua, cộng đồng nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam nhiều khoản vay, sự hỗ trợ và phần lớn các dự án đều góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, WB đã dành cho Việt Nam hơn 4 tỷ USD trong vòng 3 năm qua, cho thấy sự quan tâm liên tục của tổ chức này đối với Việt Nam.

Trong quá trình phát triển và hội nhập, Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng. Vấn nạn lớn này gây tác hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và làm mất lòng tin xã hội.

Còn Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, trong gần 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA khoảng 80 tỷ USD, trong đó tỷ trọng lớn trong nguồn vốn này được phân bổ vào các dự án phát triển hạ tầng kinh tế lớn, có tính chất phức tạp về kỹ thuật và thực hiện trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Tuy nhiên, thực tế những vụ việc tham nhũng, gian lận được phát hiện và xử lý trong thời gian qua chưa tương xứng với những đánh giá về mức độ rủi ro trong lĩnh vực này.

Chẳng hạn, như vụ việc BQL các dự án (PMU18) thuộc Bộ GTVT năm 2005; vụ án nhận hối lộ tại Đại lộ Đông-Tây (PCI) năm 2008. Gần đây nhất là nghi án hối lộ tại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) hiện đang trong quá trình điều tra làm rõ.

Trong cả 3 vụ việc điển hình nêu trên, những nghi vấn tham nhũng, sai phạm không phải do chủ đầu tư hay các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm quản lý nguồn vốn ODA phát hiện, mà do báo chí nước ngoài đưa tin (vụ việc PCI và JTC), hay vụ án PMU được cơ quan điều tra phát hiện từ một vụ án hình sự khác (cá độ bóng đá).

Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động chống gian lận, tham nhũng tại các dự án ODA, ngoài sự phức tạp về kỹ thuật hay quy mô lớn, còn có yếu tố đặc thù là các dự án có yếu tố nước ngoài, nên phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ tài trợ và chịu nhiều tác động của các bên liên quan tại quốc gia cung cấp ODA.

Điều này có thể dẫn tới những khó khăn khi áp dụng những chuẩn mực quản lý về đầu tư công đối với các dự án ODA. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội vẫn còn nhiều hạn chế khi chưa thực sự coi ODA là một bộ phận của ngân sách.

Xử lý nghiêm kết hợp phòng ngừa chặt

Bà Victoria Kwakwa khẳng định: WB đặc biệt quan tâm đến nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động quản trị, nhất là đối với những dự án sự dụng nguồn vốn công hoặc ODA, từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho tất cả các loại hình DN tham gia phát triển kinh tế. Việc chủ động hợp tác, đúc rút bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong phòng chống và đẩy lùi tham nhũng là hết sức cần thiết.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Conchita Carpio Morales thuộc Phòng Thanh tra, Cộng hòa Philippines, khẳng định: Phòng Thanh tra đã thực hiện các chức năng thông qua một phương thức tiếp cận ba chạc là truy tố và phương thức trừng phạt; phương thức ngăn chặn tham nhũng; giáo dục phòng chống tham nhũng.

Nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những kinh nghiệm của WB và các quốc gia trong việc chống tham nhũng và gian lận, tăng cường minh bạch.

Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện quá trình cải cách để tạo nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững.

Năm 2014, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành một số Luật, văn bản pháp lý quan trọng như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu… nhằm kiện toàn hệ thống pháp luật, đồng bộ hóa chính sách theo hướng minh bạch, công bằng và phù hợp thông lệ quốc tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, thắt chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo cơ hội bình đẳng cho DN cũng như sự đồng thuận xã hội.

>>>Việt Nam cam kết sử dụng đúng mục đích nguồn vốn ODA của Nhật

Theo Huy Thắng

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên