MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ts. Trần Du Lịch: Đáy của sự khó khăn, bất ổn sẽ dừng lại ở quý II/2013

Năm nay, niềm tin sẽ được củng cố hơn nhưng để vực dậy nền kinh tế còn rất khó khăn. Bởi, hiện tổng cầu giảm, sức mua giảm và nền kinh tế hấp thụ vốn khó khăn do nợ xấu vẫn cao.

Nhận định về triển vọng nền kinh tế năm 2013 cũng như đáy của sự trì trệ, Ts. Trần Du Lịch cho rằng:

Năm 2013 thị trường bắt đầu quá trình tái cấu trúc lại, sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục chết, nhưng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp mới phát triển. Đây chính là nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường – họa của người khác là phúc của mình. Chúng ta sẽ chứng kiến thị trường tái cấu trúc một cách nghiệt ngã. Tuy nhiên, cơ hội sẽ đến cho ai biết nắm bắt và cơ hội đến cho tất cả mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực bất động sản.

Đối với vĩ mô, niềm tin sẽ được củng cố hơn bởi chính sách vĩ mô tương đối rõ ràng nhưng để vực dậy nền kinh tế còn khó khăn lắm. Bởi, hiện tổng cầu giảm, sức mua giảm và nền kinh tế hấp thụ vốn khó khăn do nợ xấu vẫn cao.

Năm 2013 có thể vẫn còn trì trệ và kéo dài đến giữa năm. “Tôi có thể khẳng định rằng đáy của sự khó khăn, bất ổn sẽ dừng lại ở quý II/2013, nền kinh tế sẽ bớt khó khăn dần”. Như dự báo của một số tổ chức gần đây năm 2014, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 7% - điều này đồng nghĩa nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi.

Vậy việc cho rằng nền kinh tế vẫn còn trì trệ đến giữa năm 2013 có bi quan hay không? “Tôi không cho đó là bi quan. Hệ quả của 5 năm bất ổn vĩ mô (từ năm 2008 đến nay) không thể phủ định, và triển vọng là có, nhưng nền kinh tế sẽ phục hồi chậm. Vì vậy, doanh nghiệp, các nhà đầu tư không nên nóng vội – đây là quá trình tái cấu trúc và tìm cơ hội.”

Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể tin rằng sự ổn định vĩ mô là có, thị trường sẽ ấm dần, cơ hội phát triển và không bi quan.  

Ts. Trần Du Lịch cũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 12% có thể đạt được. Bởi, trong năm nay Việt Nam phải tăng trưởng tín dụng ít nhất 12% mới đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng 5,5% và khởi sắc trở lại. Mức tăng trưởng tín dụng 12% không gây lạm phát.

Chính sách tỷ giá cũng được Ts. Trần Du Lịch dự báo NHNN sẽ không neo tỷ giá – neo tỷ giá dễ dẫn đến hiện tượng kinh doanh đầu cơ ngoại tệ, nhưng có thể điều chỉnh biên độ - biên độ tỷ giá khoảng 2-3% là phù hợp.

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên