MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá đánh động nhập siêu

Trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tỷ giá hối đoái có tác động nhưng mức độ không quá lớn. Nói cách khác, vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc khó có thể hóa giải bằng bài toán tỷ giá.

Cuối tuần trước, Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp khá rõ ràng về điều hành tỷ giá trong thời gian tới. 

Vụ này nhận định việc điều chỉnh tỷ giá và thay đổi cơ chế tỷ giá của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đang tự điều tiết để làm quen với cơ chế này và đang dần có sự ổn trở lại.

Do đó, Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng việc nới biên độ tỷ giá thêm 1% vừa qua của NHNN là “đủ lớn” để tạo sự chủ động, linh hoạt đối với tỷ giá trước diễn biến mới của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới. Như vậy cũng có nghĩa khả năng Việt Nam tiếp tục điều chỉnh tỷ giá thêm nữa để thích ứng với mức độ phá giá của nhân dân tệ (NDT), theo khuyến nghị của một số chuyên gia, khó có thể xảy ra.

Cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015 của NHNN vẫn được giữ nguyên. Điều này gây ra quan ngại nhập siêu từ Trung Quốc những tháng tới sẽ tăng mạnh. Nhập siêu từ Trung Quốc không phải câu chuyện mới, mà vẫn luôn được xem là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Trong quan hệ thương mại giữa 2 nước, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc suốt từ năm 2001 đến nay và ngày càng lớn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2001 nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ 189 triệu USD, đến năm 2014 tăng lên 28,9 tỷ USD. Còn trong năm 2015, tính đến hết tháng 7, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã đạt mức 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng 8,3%, đạt 9,3 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến nay Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 19,5 tỷ USD.

Trong quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc, tỷ giá hối đoái có tác động nhưng mức độ không quá lớn. Nói cách khác, vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc khó có thể hóa giải bằng bài toán tỷ giá.

Cho rằng tỷ giá không phải là nhân tố quan trọng nhất dẫn tới tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, phân tích: NDT đã giảm giá 4,6% so với USD, nhưng cần nhớ rằng đồng tiền này đã tăng giá 35% so với USD trong thập niên qua. Và cũng trong chừng ấy năm, đồng Việt Nam đã mất giá hơn 40% so với USD.

Như vậy, cộng lại đồng Việt Nam đã mất giá hơn 70% so với NDT. Thế nhưng, 10 năm qua chúng ta vẫn nhập siêu từ Trung Quốc và ngày càng lớn. Vì thế, để tìm lời giải cho bài toán nhập siêu, cạnh tranh giữa hàng Việt Nam và Trung Quốc, cần phân tích các nguyên nhân khác nữa ngoài vấn đề tỷ giá.

Tuy vậy, có một điều gần như chắc chắn là việc phá giá NDT sẽ làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới. Theo ước tính của một số chuyên gia, NDT giảm giá 1% sẽ làm tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thêm 0,6-0,8%.

Như vậy, việc đồng tiền này giảm giá 4,6% trong mấy ngày qua sẽ có khả năng làm tăng thâm hụt thương mại giữa 2 nước 2,7-3,6%. Đây sẽ là sự đánh động không nhỏ đến câu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc. Áp lực nhập siêu do NDT phá giá cần được xem là yếu tố “kích hoạt” để đưa ra chiến lược tổng thể và dài hơi nhằm tái cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tất nhiên, đây không hề là mục tiêu dễ dàng. Về khách quan, trước mắt Việt Nam khó nhanh chóng giảm ngay nhập siêu từ Trung Quốc do tính bổ sung cơ cấu trong nền kinh tế 2 nước trong mô thức phát triển hiện hành. Nhóm hàng cần nhập khẩu từ Trung Quốc (gồm máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu) hiện chiếm tỷ trọng tới 85% tổng nhập khẩu của Việt Nam. Nếu nhập từ nguồn ở nước khác có thể đắt hơn tới 20% và làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn bị thua thiệt rất nhiều. Thực tế hiện nay hàng trăm ngàn doanh nghiệp Việt đang lệ thuộc vào việc nhập khẩu hàng trung gian từ Trung Quốc. Việc nhập siêu quá nhiều từ một nước không chỉ dẫn đến nguy cơ bị phụ thuộc nguyên liệu, mà vô hình trung còn trở thành cầu nối xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Trung Quốc vào các thị trường khác.

Một nguy cơ khác, nếu không sớm hạn chế việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho các ngành như dệt may, da giày, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không tận dụng được lợi thế từ các cam kết hội nhập kinh tế trong thời gian tới.

Bởi vậy, dù khó nhưng giảm nhập siêu từ Trung Quốc vẫn là nhiệm vụ cấp bách cần được đặt ra. Thời điểm này có thể đã muộn, nhưng nếu có quyết tâm vẫn có thể xoay chuyển được tình thế. Điều quan trọng nhất là cần tư duy mới trong huy động nguồn lực để phát triển công nghiệp và xuất khẩu.

PV

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên