MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng viên nữ được giới thiệu làm Chủ tịch Quốc hội là tiền lệ tích cực

Những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh để có cơ sở bầu người mới.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết lần đầu tiên ba chức danh quan trọng không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị.

Sáng nay, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ đọc tờ trình miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội. Vậy quy trình sau đó sẽ diễn ra như thế nào?

Phải nói là có sự khác thường trong bầu các chức danh nhà nước cao cấp trong nhiệm kỳ này. Thông thường thì các chức danh này được bầu cho 1 nhiệm kỳ quốc hội mới. Mặc dù ta đã chứng kiến nhiều lần có sự thay đổi do kết quả của những quyết định trong Đảng, như thời Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh sang làm Tổng bí thư chuyển giao cho ông Nguyễn Văn An. Tuy nhiên, những trường hợp ấy đơn giản hơn khi các vị này đều vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị.

Song kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 12 đã tạo ra tình huống là lần đầu tiên 3 chức danh quan trọng nhất trong tứ trụ đều không tham gia Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Để kéo dài tình trạng các chức danh cao cấp ấy không có vị trí trong Đảng thì lại không phù hợp với thiết chế chính trị của ta nên lần này, ta phải làm 1 lúc 3 chức danh quan trọng. Tôi cho đây là giải pháp tình huống phù hợp để làm sao ta sớm có được một bộ máy nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động trong công tác đối nội, đối ngoại.

Hơn thế nữa, tôi cho rằng trong chừng mực nào đó, những người từ nhiệm trước nhiệm kỳ cũng là sự hy sinh để có cơ sở bầu người mới. Vì thế thủ tục có thông báo là có từ nhiệm rời chức vụ để có cơ sở bầu người mới.

Việc bầu thì tôi cho rằng cũng như các quy trình khác, bảo đảm có sự giám sát của Quốc hội trong việc đánh giá về các nhân sự tương xứng với chức năng được Hiến pháp quy định cũng như chuẩn mực, quy chuẩn.

Mặc dù ai cũng biết quyết định nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao là quyết định của Đảng nhưng đây liệu có là hình thức hay không thì tôi nghĩ giống như ta lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, trong đó có nhân sự cao cấp để thể hiện đòi hỏi của người dân thông qua các đại biểu, thể hiện sự tín nhiệm và tăng cường tín nhiệm. Đặc biệt là trong lần này các chức danh quan trọng sẽ có lời tuyên thệ trước Quốc hội. Tôi cho đây là điều cần thiết để tạo ra được yếu tố khiến cho những người được nhận nhiệm vụ mới có ý thức trách nhiệm cao hơn.

Người đại biểu quốc hội thể hiện vai trò của mình ra sao trong việc này?

Trước hết phải thực hiện đúng luật. Ta không coi đây là hình thức mà ta hoàn toàn có quyền giám sát tính chân thật, chính xác của dữ liệu liên quan đến nhân vật đó, căn cứ cả tiêu chuẩn và sự tín nhiệm mà ta cảm nhận được trong xã hội, trong cả quá trình họ hoạt động.

Tuy nhiên lần này có thể nói là lần đầu nhiều gương mặt mới được đặt vào vị trí mới. Đây là thể hiện sự kỳ vọng thay đổi sau khi ta đã trải qua quá trình tổng kết các cá nhân trong bộ máy nhà nước. Tôi cho rằng đã để lại nhiều bài học, di sản tích cực và không tích cực, đòi hỏi người kế nhiệm gánh vác. Đây cũng là cơ hội để những người được đặt ở vị trí mới thể hiện được năng lực của mình.

Báo cáo vừa rồi chỉ ra nhiều thành tựu và hạn chế. Nhân sự được bầu sẽ phải làm sao để phát huy thành tựu, xứng với kỳ vọng?

Tôi nghĩ có 2 yếu tố. Thứ nhất là cơ chế, thứ hai là con người. Cơ chế nào cũng thông qua con người để thể hiện, đặc biệt với những tồn tại phải khắc phục, nếu ta phân tích đến cùng các tồn tại có nguyên nhân thì những tồn tại lớn nhất là trách nhiệm cá nhân chưa thể hiện rõ trong cơ chế cũng như con người. Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, ta sẽ hoàn thiện hơn cơ chế pháp lý, trách nhiệm cá nhân mà mỗi vị cán bộ ở những cương vị của mình, đặc biệt là cương vị cao cấp phải thể hiện được cương vị cá nhân, thể hiện hết quyền năng của mình.

Lần này lần đầu tiên một ứng cử viên nữ được giới thiệu ứng cử chủ tịch quốc hội. Đây có là bước ngoặt?

Tôi nghĩ đây là dấu ấn đầu tiên, còn bước ngoặt hay không thì ta phải đi tiếp. Tuy nhiên, đây là tiền lệ tích cực.

Tôi cũng lưu ý đây là vấn đề đáng mừng. Còn nhìn ra thiên hạ, đã có Thủ tướng, Tổng thống, Bộ trưởng bộ quốc phòng lâu rồi. Cho nên ta vui mừng vì có yếu tố mới nhưng cũng đừng nghĩ là điều gì quá đặc biệt.

Yếu tố mới này có giúp vượt qua khó khăn khi Quốc hội XIII có nhiều món nợ?

Đương nhiên nói món nợ là trách nhiệm nhưng cũng đòi hỏi mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội phải phấn đấu tốt hơn, trước hết sự lựa chọn của người dân chính xác hơn

Thứ hai, về cơ chế, môi trường và điều kiện hoạt động. Ví dụ một đại biểu Quốc hội không chuyên trách như tôi lại nằm ở một địa bàn không phải mình được bầu ra thì rõ ràng, nhiều khi xấu hổ. 14 năm tôi làm đại biểu Quốc hội nhưng chắc chắn rằng chưa đi hết tour tiếp xúc những người đã bầu ra mình. Đó là điều hạn chế khi ta thể hiện tính gần dân.

Nhưng tôi cho rằng dù sao cũng phải cần từng bước làm thay đổi những yếu tố, trong đó cần hướng tới thông lệ quốc tế. Đừng quá coi trọng đặc thù vì cơ chế dân chủ đương nhiên có văn hóa, thông lệ của nó.

Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ có tuyên thệ. Ông kỳ vọng gì?

Tôi là một trong những người phát biểu Quốc hội về tuyên thệ để nhắc lại lịch sử, từ xa xưa trong truyền thuyết đã có tuyên thệ. Vua Hùng đã có tuyên thệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tuyên thệ ở Tân Trào. Quốc hội đầu tiên, Chính phủ đầu tiên cũng có lời tuyên thệ. Thế giới việc này rất phổ biến.

Đảng viên cũng tuyên thệ được thì tại sao các quan chức không thể tuyên thệ được. Điều này đã được đưa vào luật pháp, hiến pháp là điều đáng mừng.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên