MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao kinh tế thị trường ở Việt Nam vẫn “nửa vời”?

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhưng còn dùng dằng, bước tiến bước lùi, chưa dứt khoát...

Trong Báo cáo Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014) do Phòng  công nghiệp thương mại VN (VCCI) và Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp khảo sát, các chuyên gia đã đưa ra những con số kết luận liên quan đến cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về Nhà nước và kinh tế thị trường tại Việt Nam hiện nay.

Việt Nam đang tích cực chuyển đổi sang kinh tế thị trường…

Báo cáo CAMS 2014 phản ánh cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và những nhóm cá nhân khác đến từ nhiều khu vực khác nhau trong nền kinh tế về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (KTTT) tại Việt Nam trong thời gian qua.

Kết quả khảo sát cho thấy, 89% người tham gia khảo sát ủng hộ mạnh mẽ đối với mô hình kinh tế thị trường tại VN; 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong nền kinh tế và 94% yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, khảo sát CAMS 2014 cũng cho thấy, những người tham gia khảo sát đánh giá cao chất lượng một số dịch vụ công do khu vực tư nhân cung cấp (y tế, giáo dục, công chứng, giao thông công cộng). Đồng thời, 99% ủng hộ việc nhà nước xác định chuyển giao một số dịch vụ công sang cho khu vực tư nhân quản lý.

Tuy nhiên, đánh giá của người Việt Nam về thực tiễn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường cũng cho thấy một số điểm đáng lưu ý:

Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 5 người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường (KTTT) thì cũng gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản là nền kinh tế nhà nước (KTNN). Kết quả này cho thấy ở Việt Nam, trên thực tế hệ thống KTNN và KTTT vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi.

Về tốc độ cải cách kinh tế, chỉ có 29% người được khảo sát cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi có tới 36% cho biết tốc độ này còn chậm. Rõ ràng, quá trình chuyển đổi sang nền KTTT vẫn tiếp tục song tốc độ thực tế còn chậm so với kỳ vọng.

Đa số những người ủng hộ nền KTTT vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với 2011.

Việc vận hành KTTT ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước.

Khoảng 50% số người tham gia khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường, số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước. Chỉ 19% người trả lời khảo sát đánh giá cao mức độ đóng góp của các DNNN lớn vào nền kinh tế là tích cực, trong khi tỉ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.

Chỉ 20% người trả lời khảo sát hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay của đất nước. Đồng thời một số lớn người dân (47%) cũng bày tỏ lo ngại trước khoảng cách giàu-nghèo tăng lên ở Việt Nam. Dù vậy, vẫn có 63% người tham gia điều tra tin tưởng thế hệ tương lai sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì sao vẫn dùng dằng, nửa vời?

Đánh giá về những kết quả trên, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đồng thời tham gia nhóm khảo sát CAMS 2014 cho biết, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi nhưng còn dùng dằng, bước tiến bước lùi, chưa dứt khoát.

“Điều này phản ánh thực trạng kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Chúng ta vẫn đang ở thời kỳ quá độ tập trung sang cơ chế thị trường, do đó việc thực hiện còn nửa vời” – TS Cung nhận định.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, người dân Việt Nam thích nền kinh tế thị trường nhưng vẫn muốn được Nhà nước "ôm ấp” và bảo vệ. Tâm lý "dựa vào nhà nước" này xuất phát từ những chính sách, sự rủi ro của thị trường và nền kinh tế.

Ông Thiên cũng lý giải thêm rằng, kết quả khảo sát trên được thực hiện vào thời điểm kinh tế Việt Nam đang khó khăn và can thiệp hành chính mạnh hơn từ Nhà nước.

"Từ khi chúng ta gia nhập WTO, Việt Nam chưa hoàn toàn ứng xử theo cam kết WTO. Hệ quả của điều này là lực lượng doanh nghiệp trong nước suy yếu, môi trường kinh doanh khó khăn hơn" - ông Thiên nói.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, nghiên cứu đã đưa ra những phát hiện đáng chú ý như kỳ vọng rất lớn về vai trò của Nhà nước trong kiểm soát giá cả, tình trạng lưỡng thể của nền kinh tế, đánh giá hiệu quả của chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hay bình ổn giá chưa cao….

“So với kỳ vọng của thực tiễn thì tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở Việt Nam còn chậm. Tuy nhiên, với những thay đổi tích cực về chính sách, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ thoát khỏi tổ kén và bay lên” – Chủ tịch VCCI kết luận.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên