MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam áp cơ chế 'mấp mô': Điểm chết là...

Những gì nhà nước làm không hiệu quả rõ ràng phải trả lại cho tư nhân nhưng với điều kiện hệ thống luật pháp phải đồng bộ.

GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho biết.

Cũng theo GS TS Đặng Đình Đào, quy luật của nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp tư nhân phải làm chủ lực nhưng như Việt Nam hiện nay khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh lại vẫn giữ vai trò chính.

Doanh nghiệp tư nhân là chủ lực?

PV: - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 10 năm từ 2002-2012, mặc dù số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân. Tổng Cục thống kê cũng đưa ra con số, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 8,5% vào GDP năm 2002, đến năm 2012 là 11,1%, mức tăng không đáng kể. Phải lý giải thực trạng trên như thế nào, thưa ông?

GS TS Đặng Đình Đào: - Giai đoạn khó khăn khủng hoảng vừa qua các doanh nghiệp tư nhân giải thể, dừng hoạt động khá nhiều. Mặc dù có doanh nghiệp sau khi giải thể đã trở lại hoạt động và các doanh nghiệp đăng ký mới nhưng thực tế không nhiều như thời gian trước đây.

Các doanh nghiệp tư nhân đặc biệt phát triển ở những năm đầu đổi mới cho đến năm 2000 sau đó tốc độ tăng trưởng và quy mô đã giảm dần. Thực tế này, một phần do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới khiến đầu ra sản phẩm gặp khó khăn và một phần ảnh hưởng cơ chế chính sách của Việt Nam.

Việc đăng ký hoạt động doanh nghiệp dễ dãi xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với số vốn điều lệ nhất định song chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng sau đó lại giải thể đây cũng là nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân.

Doanh nghiệp tư nhân nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân
Doanh nghiệp tư nhân nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân

Có những doanh nghiệp đăng ký chỉ nhưng không có hoạt động sản xuất, không có hoạt động kinh doanh. Ngay với lĩnh vực logistic rất nhiều doanh nghiệp trong số đó chỉ có xe vận tải, một ông chủ và một người làm thuê.

PV: - Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và thế giới đều khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân mới là động lực phát triển của một nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng ở Việt Nam, khối doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về vốn và chính sách, khối FDI được ưu đãi về thuế… Ông nhận xét thế nào về cách đối đãi của Việt Nam đối với khối doanh nghiệp tư nhân?

GS TS Đặng Đình Đào: - Trên thực tế, hầu hết các chính sách đối với các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân là ngang bằng nhau nhưng thái độ với các chủ sở hữu doanh nghiệp có thể khác nhau tùy từng trường hợp.

Do niềm tin với khối doanh nghiệp tư nhân không cao lắm nên các chính sách đưa ra không được tính toán với mục đích có lợi nhất cho doanh nghiệp tư nhân vì vậy chúng ta có cảm tưởng những ưu đãi, chính sách chỉ quan tâm đến doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước.Quy luật của nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp tư nhân phải làm chủ lực nhưng như Việt Nam hiện nay khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quốc doanh lại vẫn giữ vai trò chính.

Giải pháp đã được đưa ra là buộc doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm chạp, thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước theo báo cáo vẫn đang mức cao.

Đây là điểm chết của kinh tế Việt Nam, đặc biệt nghiêm trọng khi các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa nhưng lại làm thay đổi bản chất cổ phần hóa, nếu không thận trọng vốn nhà nước không những không được thu hồi mà còn bị thất thoát lớn.

Kinh tế không thể bứt phá

PV: - Tới thời điểm này, hậu quả của cách đối đãi như vậy đã nhìn thấy rõ chưa và như thế nào? Thực trạng hiện nay là khối doanh nghiệp nhà nước nhập nhèm giữa mục tiêu công ích và kinh doanh, liên tục báo lỗ, nợ trong và ngoài nước đều ở mức rất cao, khối doanh nghiệp FDI mang công nghệ kém vào Việt Nam, tận dụng lao động giá rẻ, để lại ô nhiễm… Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, có thể hình dung thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong vòng 5 năm tới?

GS TS Đặng Đình Đào: - Hậu quả của việc ưu tiên, ưu đãi cho khối các doanh nghiệp nhà nước đã thấy rõ, thông qua các con số báo cáo về nợ của các doanh nghiệp nhà nước với các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài. Mặc dù thua lỗ song nhiều doanh nghiệp nhà nước còn được bảo lãnh của chính phủ để vay vốn bên ngoài.

Hay như trường hợp đang diễn ra với Tổng Công ty CP Vinaconex khi xây dựng đường ống nước sông Đà giai đoạn 1 với số tiền đầu tư 1.500 tỷ đồng nhưng mới đưa và sử dụng 3 năm đã xảy ra sự cố đến 9 lần song Vinaconex tiếp tục lại là đơn vị được lựa chọn để thi công đường ống dẫn nước giai đoạn 2. Cuối cùng người dân phải gánh chịu những hậu quả.

Nhà nước gần đây có những chính sách chú trọng hơn tới phát triển doanh nghiệp tư nhân nhưng bản thân doanh nghiệp tư nhân nội lực còn yếu, nguồn lực chưa sẵn sàng để tham gia. Rất nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì có thể phát triển thành những doanh nghiệp lớn hiện nay vẫn chủ yếu là những doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ như vậy phải tính đến việc phát triển thông qua sự hợp tác tăng cường.

Nhiều lĩnh vực không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước mà mở rộng điều kiện tham gia thị trường cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Nhiều lĩnh vực không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước mà mở rộng điều kiện tham gia thị trường cho nhiều doanh nghiệp khác nhau - Ảnh: TTO

Việc các doanh nghiệp nhà nước liên tục báo lỗ, nợ trong và ngoài nước đều ở mức rất cao, một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mang theo công nghệ kém tận dụng nguồn nhân công giá rẻ trong khi các doanh nghiệp tư nhân trong nước chịu các sức ép về vốn, kỹ thuật, công nghệ hình dung nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong tình trạng không bứt phá được.

Khoảng cách với các nước khu vực cũng trở nên thua xa họ, như môi trường đầu tư, thời gian giải quyết các vấn đề chính sách, thuế theo phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài trong một báo cáo mà Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI từng đưa ra Việt Nam đã thua Lào, Campuchia…

PV: - Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế như mục tiêu đang đề ra hiện nay là phải trả nền kinh tế về tay tư nhân, nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia. Ông có đồng tình với ý kiến trên không và vì sao? Muốn vậy, cách đối đãi với doanh nghiệp tư nhân phải được thay đổi bắt đầu từ đâu và như thế nào?

GS TS Đặng Đình Đào: - Tôi đồng ý với quan điểm phải trả nền kinh tế về tay tư nhân và nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia, những gì nhà nước làm không hiệu quả rõ ràng phải trả lại cho tư nhân nhưng với điều kiện hệ thống luật pháp phải đồng bộ, không thể làm tràn lan, làm vội vàng nếu không sẽ làm thất thoát tài sản của quốc gia.

Với lĩnh vực xăng dầu, điện là 2 lĩnh vực được coi là “nhạy cảm” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất cả các doanh nghiệp đối tượng cần được mở rộng không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước mà mở rộng điều kiện tham gia thị trường cho nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Vừa qua, lý giải của liên Bộ Tài chính - Bộ công thương khi giá xăng tăng không rõ ràng, nói chung chung giá cơ sở thay đổi khiến giá bán lẻ thay đổi khiến dư luận hoài nghi về lý do tăng giá xăng. Hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước thời gian vừa qua tăng giá, khai thác bauxite nhưng được xin đủ thứ ưu đãi vì đằng sau hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước có sự bảo hộ của bộ chủ quản.

Đã là doanh nghiệp hoạt động theo luật Bộ chỉ là cơ quan quản lý nhà nước nhưng thời gian vừa qua bộ vừa là quản lý nhà nước vừa là quản lý kinh doanh, các đơn vị trực thuộc Bộ rõ ràng Bộ bảo vệ họ là điều dễ hiểu.

Chừng nào các doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, Bộ chỉ quản lý nhà nước về chính sách thì lúc đó chính sách mới khách quan, công bằng được còn nếu vẫn trực thuộc bộ thì chính sách của Bộ và liên Bộ vẫn khó thoát khỏi sự thiên vị.

Phía các doanh nghiệp tư nhân, ở Việt Nam để khối tư nhân đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế cần làm từng bước một, không vội vàng. Thứ 2 là khối doanh nghiệp tư nhân phải tiếp cận được vốn để dễ dàng thuận tiện kinh doanh và thứ 3 là cơ chế thông thoáng để phát triển và nhà nước phải đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng để làm các doanh nghiệp hoạt động làm ăn hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>>Việt Nam áp cơ chế 'mấp mô': Người Việt thiệt đủ đường

Theo Nguyên Thảo 

cucpth

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên