MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam không thiếu vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo

Ông Peter Droege, Chủ tịch Hội đồng thế giới về năng lượng tái tạo cho rằng Việt Nam có điều kiện tốt hơn các nước trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm đa dạng hóa nguồn cung điện.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Droege đã đề xuất một số giải pháp để Việt Nam tận dụng các nguồn gió, năng lượng mặt trời… vào việc sản xuất điện như một giải pháp trong mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ông Droege đến Việt Nam tham dự cuộc hội nghị và triển lãm về giải pháp kinh doanh xanh châu Âu (GreenBiz 2011) diễn ra ngày 15 và 16-9 ở TPHCM.   

TBKTSG Online: Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách về phát triển năng lượng tái tạo và hỗ trợ các công ty đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này. Nhưng trên thực tế, nguồn ngân sách hạn hẹp là trở ngại rất lớn, ông có đề xuất giải pháp nào cho Việt Nam về vấn đề này?

- Ông Peter Droege: Qua tìm hiểu, tôi được biết Chính phủ và các công ty Việt Nam vẫn có vốn để đầu tư vào các dự án năng lượng truyền thống, gồm than đá, khí và hạt nhân. Vậy câu hỏi được đặt ra là liệu nguồn vốn này có thể san sẻ cho các dự án đầu tư năng lượng tái tạo. Cả hai phương thức sản xuất điện truyền thống và năng lượng tái tạo đều tạo ra hiệu quả kinh tế cho quốc gia nhưng sự khác biệt là các nguồn cung cho các dự án năng lượng tái tạo là miễn phí và vô hạn; còn các nguồn khí, than đá thì hữu hạn. Nếu Việt Nam tiếp tục đầu tư vào các dự án điện chạy bằng than đá, khí thì sẽ phải đối mặt với chi phí đầu tư cho các nguồn nguyên liệu ngày càng tăng, hệ quả là giá điện phải tăng theo. Như vậy, ở đây đặt ra hai vấn đề, một là làm thế nào để huy động vốn và hai là cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn đầu tư ấy như thế nào.

Các nhà đầu tư ở Việt Nam thường cho rằng đầu tư cho các dự án điện chạy bằng than đá, khí thì tương đối dễ dàng và đỡ tốn kém hơn là đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo, và thực tế đang diễn ra như vậy. Ông nghĩ sao về quan điểm này?    

- Tôi lại có cách suy nghĩ khác. Nếu chúng ta nhìn về tương lai của các dự án năng lượng tái tạo thì như tôi đã nói ở trên là chúng ta chỉ cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng và khai thác nguồn gió, năng lượng mặt trời… miễn phí từ thiên nhiên. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần tính toán khoản thu được từ việc khai thác các nguồn cung miễn phí này để có những hình thức hỗ trợ phù hợp cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Cách thức này đã được nhiều nước áp dụng và cũng có nhiều bài học kinh nghiệm.

Việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cần được xem xét dưới góc nhìn thực tế. Nghĩa là các cơ quan quản lý chuyên ngành cần chứng minh cho nhà đầu tư thấy được điều mà họ muốn, đó là sự hỗ trợ thông qua chính sách, gồm cả ưu đãi thuế liên quan đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Các cơ quan chuyên trách của Chính phủ và nhà đầu tư cần thiết phải ngồi cùng nhau để bàn về vốn đầu tư cho các dự án điện gió, chọn địa điểm phù hợp, tính toán giá điện và thời gian thu hồi vốn. Một điều quan trọng nữa là sau khi nhà đầu tư đã thu hồi vốn và có lợi nhuận một thời gian thì họ phải chia sẻ lợi nhuận với Chính phủ.

Giá bán điện phù hợp cũng giúp thu hút các nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Tôi không cho rằng giá mua điện gió 7,8 cent/kWh là phù hợp với thực tế và có thể thu hút các nhà đầu tư. Mức giá mua nào là phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam sẽ cần phải được bàn bạc kỹ dựa trên chi phí đầu tư cho các dự án chứ không hẳn là phải theo mức 20, 30 hay 40 cent/kWh như ở một số nước khác. Khi cần thiết, giá mua cần được điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm việc nhà đầu tư có thể hòa vốn và có lãi. Việt Nam cũng có thể áp dụng phương thức tính này cho các dự án sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và các nguồn cung nhiên liệu tái tạo khác.     

Như vậy, đề xuất của ông là để phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cần thiết phải có sự hợp tác của Chính phủ và nhà đầu tư trong việc chia sẻ chi phí đầu tư, lợi nhuận và nhu cầu của quốc gia?

- Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung gió, như vậy, điều quan trọng là cả nhà nước và nhà đầu tư cần hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Chi phí đầu tư vào các dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời sẽ thay đổi tùy thuộc vào việc Chính phủ có thể hỗ trợ được các khoản nào. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp cần được hỗ trợ phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời tại các tòa nhà và điện gió tại các khu vực có nhiều gió và không phải là khu vực đất nông nghiệp. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố địa điểm phù hợp cho các dự án năng lượng tái tạo, điều đó cũng có nghĩa là nếu chúng ta phá rừng để có đất đặt những tấm pin hấp thụ năng lượng mặt trời hay lấy đất nông nghiệp cho dự án điện gió thì đó là sự sai lầm.

Việt Nam có cơ hội tốt để phát triển năng lượng tái tạo từ gió, sóng và các nguồn khác vì là quốc gia có đường bờ biển dài. Tôi kỳ vọng trong vòng 20-30 năm tới phần lớn nguồn cung điện của Việt Nam sẽ được sản xuất từ các nguồn nhiêu liệu tái tạo.

Dường như ông quá lạc quan về tương lai phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo tại một đất nước vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn năng lượng truyền thống và vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất?

- Tôi lạc quan bởi vì Việt Nam có điều kiện tự nhiên tốt hơn so với nhiều quốc gia khác mà tôi đã có dịp đến thăm và làm việc trong việc phát triển năng lượng tái tạo, gồm gió, nhiệt, phế phẩm từ sản suất nông nghiệp. Điều thế giới quan tâm hiện nay là không chỉ là bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh mà còn là chúng ta hành động gì cho tương lai. Năng lượng hạt nhân, năng lượng sản xuất từ dầu mỏ và các nguồn nhiêu liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ, chứa đựng nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Trên thế giới, năng lượng tái tạo không phải là mới vì đã được sản xuất tại nhiều nước hàng chục năm nay. Do vậy, Việt Nam cần cân nhắc để các dự án đáp ứng đúng nhu cầu, điều kiện của đất nước chứ không phải của các nhà tài trợ hay các tổ chức cho vay.

Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển đang đẩy mạnh kế hoạch phát triển nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nhất là sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật). Một dẫn chứng cụ thể là Bhutan - một quốc gia nhỏ bé nhưng cũng đang nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Tôi tin là Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phát triển nguồn năng lượng mới này để tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên, đa dạng hóa nguồn cung điện và bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của nền kinh tế. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Bình Nguyên

TBKTSG

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên