Việt Nam sẽ mời tư nhân đầu tư camera giao thông
Tổng cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu lập đề án xã hội hóa đầu tư hệ thống camera giám sát giao thông...
- 19-08-2015Khơi thông tiềm năng PPP để hút vốn tư nhân cho các dự án
- 18-08-2015Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 40% GDP
- 18-08-2015Doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước hội nhập
Từ năm 2015, thông qua chiết xuất thông tin hộp đen ôtô và các camera giao thông, việc phạt nguội đã được tiến hành. Dù bất cứ xe nào chạy ẩu, quá tải, sai luật đều bị “mắt thần” theo dõi cảnh báo 24/24.
Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 7 tháng qua, căn cứ theo dữ liệu từ hệ thống máy chủ của Tổng cục, đã “soi” được gần hơn 15 triệu phương tiện vi phạm về tốc độ.
Trong khi đó, ông Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Công an giao thông, Công an thành phố Hà Nội nói: “Năm 2015, bên cạnh việc trích xuất thông tin qua hộp đen, thì hệ thống camera giao thông đã phát huy tác dụng rất cao. Đặc biệt, với việc đầu tư hàng trăm camera giao thông tại một số điểm nóng tại Hà Nội, phòng đã tăng cường xử lý phạt nguội hơn 850 trường hợp”.
Việc bắt buộc lắp hộp đen và camera giao thông đã cho thấy hiệu quả tích cực. Về hộp đen, nguồn vốn thực hiện bắt buộc doanh nghiệp vận tải tự lắp. Tuy nhiên, với camera giao thông, không phải lúc nào Nhà nước cũng có thể bỏ tiền đầu tư, vì thế, việc lập các dự án mời tư nhân đầu tư đã được tính đến.
“Nếu chậm triển khai lắp camera ngày nào, vi phạm còn gia tăng, còn xảy ra tai nạn giao thông”, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam lập đề án xã hội hóa đầu tư hệ thống camera giám sát trên các tuyến BOT quốc lộ 1, quốc lộ 14.
Ông cho hay: “Các dữ liệu vi phạm được cung cấp cho cơ quan công an làm căn cứ xử phạt. Hệ thống giám sát vi phạm giao thông này sẽ được thực hiện theo hình thức mở rộng hợp đồng dự án BOT các tuyến đường, nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn thông qua phí sử dụng đường”.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện, đơn vị này đã và đang xây dựng các cơ chế, chính sách để có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư lắp camera giám sát, hệ thống giao thông thông minh (ITS).
Đồng thời, sẵn sàng mời các nhà đầu tư công nghệ có uy tín như Viettel, VNPT, Hanel, FPT thực hiện.
Đại diện các nhà đầu tư như Viettel, FPT khẳng định: các tập đoàn trong nước hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện xây dựng hệ thống camera trên các tuyến đường.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông Viettel cho biết, về phương thức hoàn vốn có nhiều cách. Đối với các dự án giao thông BOT, có thể hoàn vốn theo từng dự án. Đối với các dự án khác, có thể hoàn vốn thông qua việc tính vào mức thu phí qua trạm.
Nếu thí điểm thành công, hàng chục tuyến quốc lộ trên cả nước sẽ có “mắt thần” theo dõi để chống xe quá tải, vi phạm tốc độ, sai làn... đảm bảo tốt hơn vấn đề an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông trong thời gian tới, ông Cương nói.