MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam và nỗi lo sau khi “tốt nghiệp ODA”

Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa, Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn...

Nội dung nổi bật:

- Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%.

- Trong giai đoàn từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm.

- Hơn 50 nhà tài trợ quốc tế, hợp tác trong tất cả các ngành, lĩnh vực với quy mô ODA cam hết hơn 80 tỷ USD đã góp phần quan trọng giúp Việt Nam đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước.


Tại hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam - 20 năm nhìn lại” do Ban kinh tế Trung ương và Ngân hàng BIDV phối hợp tổ chức ngày 7/8, nhiều chuyên gia và các tổ chức định chế tài chính nước ngoài đã chia sẻ, nhận định về chặng đường sử dụng vốn ODA của Việt Nam trong 20 năm qua.

Thành công trong việc sử dụng vốn ODA

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho biết, Trong hơn 20 năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút các nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương nhất quán.

Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%.

Theo báo cáo tại hội thảo, trong giai đoàn từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm. Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.

Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt.

Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua đã mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực...

Bên cạnh đó, hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển, cải cách hành chính công, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua việc hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật, hoạt động tuyên truyền và đào tạo pháp luật, đáp ứng nhu cầu xây dựng và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, sự cam kết này cũng đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.

Nỗi lo sau khi “tốt nghiệp ODA”…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trưởng ban kinh tế Trung ương, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế.

Thứ nhất, Việt Nam thiếu một định hướng tổng thể với tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho việc huy động và sử dụng một cách có hiệu quả hơn, nhất là sau khi Việt Nam “tốt nghiệp 0DA” vào năm 2018 và những năm tiếp theo.

Thứ hai, trên thực tế, các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam còn hạn chế mà biểu hiện là tỷ lệ giải ngân ODA của chúng ta vẫn thấp, trung bình chỉ mới trên dưới 63%.

Thứ ba, do các dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Thiết kế các chương trình ODA chưa sát thực tế; đầu tư còn dàn trải và hạn chế về tính hiệu quả; hiệu quả sử dụng ODA trong đầu tư công còn thấp dẫn đến tác động đến nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.

Thứ tư, do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập. Ngoài ra, quản lý ODA vẫn còn bất cập, còn sai phạm về quy định quản lý ODA.

“Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung  bình. Đây là một thành công lớn nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa, Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn” – ông Vương Đình Huệ cho biết.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên