Vietjet muốn mua lại nửa sân bay quốc tế Nội Bài
Hãng hàng không tư nhân Vietjet đã đề nghị với Bộ GTVT về việc mua quyền khai thác thương mại nhà ga hành khách T1 của sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
- 25-02-2015Năm 2015, tập trung cổ phần hóa thành công ACV và bán sân bay Phú Quốc
- 28-07-2013Bộ trưởng Đinh La Thăng "thúc" tiến độ thi công nhà ga T2 Nội Bài
- 17-07-2013Phát hiện sai phạm về giá dịch vụ tại sân bay Nội Bài
Sáng nay 25-2, tại cuộc họp về huy động vốn xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã đưa ra quyết định nhượng quyền khai thác sảnh E nhà ga T1 sân bay quốc tế Nội Bài cho hãng hàng không Vietjet.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hùng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị cho phép Vietjet được nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ Nhà ga hành khách mới T1, cùng với nhà ga cũ T2 là 2 nhà ga của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm.
Lý do Vietjet đưa ra đề nghị nói trên là nhà ga hành khách T1 hiện nay được sử dụng khai thác các đường bay nội địa kể từ sau khi nhà ga T2 đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm 2015. Trong chiến lược phát triển của mình, Vietjet luôn mong muốn có được những cơ sở hạ tầng vững chắc tại các cảng hàng không, sân bay để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của hãng; đồng thời cũng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác nhà ga T1, tối ưu hoá công suất hoạt động của nhà ga.
Trước đề nghị táo bạo của hãng hàng không tư nhân Vietjet mua quyền khai thác thương mại nhà ga hành khách T1 sân bay quốc tế Nội Bài, Bộ GTVT đã đáp ứng một phần đề nghị này bằng quyết định cho phép hãng được nhượng quyền khai thác khu vực sảnh E của nhà ga T1.
Một số vụ chức năng của Bộ GTVT cho rằng cần cân nhắc kỹ đề nghị của Vietjet, có thể chỉ xem xét áp dụng thí điểm và trước mắt chỉ nên nhượng quyền khai thác sảnh E. Đây là khu vực trước đây được mở rộng thêm để chống quá tải cho nhà ga T1 trong khi T2 chưa hoàn thành. Hiện tại, sảnh E là khu vực khai thác các chuyến bay đi nội địa của hàng không giá rẻ, bao gồm Vietjet và Jestar.
Theo T. Hà - V. Duẩn
Người Lao động