MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn đầu tư từ Mỹ vẫn chưa “xứng tầm”

VN đã thu hút được lượng vốn đầu tư đáng kể từ các nhà đầu tư Mỹ song với tư cách là“quốc gia đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất thế giới" đầu tư của Mỹ vào VN vẫn chưa thực sự như mong đợi.

DN Mỹ ưu tiên chọn Việt Nam để đầu tư

Sau nhiều vòng đàm phán, tháng 1-2006, Công ty Intel Việt Nam công bố dự án đầu tư 300 triệu USD để xây dựng cơ sở mới, bao gồm nhà máy kiểm định và lắp ráp tại Việt Nam. 10 tháng sau, vào tháng 11-2006, Intel công bố tăng quy mô nhà máy lắp ráp và kiểm định chip từ 14.000m2 lên 46.000m2, đồng thời nâng tổng mức đầu tư lên 1 tỉ USD. 

Hồi tháng 6-2014, Công ty Intel Việt Nam cũng tuyên bố sẽ dịch chuyển hoạt động kiểm định và lắp ráp của nhà máy Intel Costa Rica về Việt Nam. Intel là tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ, vì thế việc liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam đã phần nào cho thấy sức hút của thị trường Việt Nam đối với một tập đoàn công nghệ lớn như Intel.

Báo cáo khảo sát về tình hình hoạt động của DN Mỹ tại các nước thuộc ASEAN vừa được Phòng Thương mại Mỹ tại Singapore (AmCham Singapore) công bố cho thấy: Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong khu vực ASEAN được các DN Mỹ lựa chọn mở rộng đầu tư kinh doanh. Nguyên nhân chính được AmCham Singapore chỉ ra là do mối quan hệ tích cực giữa Việt Nam và Mỹ, nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp và an ninh tốt.

Dù vậy, vẫn có tới 69% số người được hỏi đã trả lời rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam và họ không hài lòng về điều đó. DN Mỹ cũng tỏ ra không vui khi chi phí nhà ở, văn phòng cho thuê và các chi phí khác tại Việt Nam đều tăng đáng kể.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6-2014, Mỹ có 694 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng kí đạt khoảng 10,7 tỉ USD và xếp thứ 7/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án. 

Tuy nhiên những con số này chưa phản ánh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam. Lí do là có một số công ty Mỹ như Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter&Gamble, ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng kí tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Bristish Virgin Islands, Singapore, Hồng Kông…

Đầu tư của Mỹ còn thấp so với tiềm năng

Đến cuối năm 2013, theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư viện dẫn, Mỹ vẫn tiếp tục là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới với tổng vốn đầu tư ở nước ngoài lũy kế vào khoảng 4.790 tỉ USD. Trong thập kỉ vừa qua, đầu tư của Mỹ chiếm khoảng ¼ tổng lượng FDI toàn cầu, trong khi cả châu Âu chiếm khoảng một nửa tổng vốn FDI toàn cầu. Cũng trong năm 2013, hơn 50% dòng vốn FDI của Mỹ vào châu Âu, hơn 25% vào châu Mỹ, hơn 21% vào châu Á-Thái Bình Dương. 

Trong đó đáng lưu ý tỉ lệ dòng vốn FDI của Mỹ có xu hướng giảm vào khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi trong khi tăng mạnh vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là vào Úc (gần 23 tỉ USD năm 2013) và Singapore (19 tỉ USD năm 2013). Còn trong khu vực ASEAN, trong giai đoạn 2009-2012 dòng vốn FDI của Mỹ vào ASEAN nhìn chung là tăng. Tuy nhiên trong năm 2013, trong khi dòng vốn này tiếp tục tăng mạnh vào Singapore (19 tỉ USD), Malaysia (3 tỉ USD) thì lại có xu hướng giảm ở các nước còn lại.

Rõ ràng, so sánh con số vốn DN Mỹ đầu tư vào Singapore và Malaysia, có thể thấy việc thu hút đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa. Ông Marc Townsend, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn DN giữa kì 2014 hồi tháng 4 năm nay rằng: Thiết hụt cơ sở hạ tầng, cụ thể là năng lượng và giao thông vận tải đã cản trở dòng vốn FDI. Đây nên được xem là vấn đề quốc gia và cần được giải quyết ở tầm quốc gia với mô hình đối tác công tư và các mô hình đối tác khác được thực hiện nhanh chóng.

“Chúng tôi mong muốn môi trường kinh doanh minh bạch, nơi sự tương tác giữa cơ quan nhà nước, giữa bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội phải được tăng cường. Đối thoại với người dân và DN phải được mở rộng dưới nhiều hình thức để thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn giữa nhà nước, cán bộ, công chức, người dân và chính sách pháp luật phù hợp hơn với thực tế” - ông Marc Townsend nói.

Trong kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục coi Mỹ là một trong những địa bàn thu hút đầu tư trọng điểm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Nhìn chung quan hệ thương mại đầu tư 2 chiều giữa Mỹ và Việt Nam còn rất thấp so với tiềm năng cũng như quan hệ thương mại của hai nước, do vậy, cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để thúc đẩy quan hệ đầu tư hai chiều giữa hai bên.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà hoạch định chính sách hai nước cần tăng cường trao đổi, tiếp xúc nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đang triển khai và xúc tiến đầu tư các dự án trong các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng.

“Tăng cường hợp tác nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam-Mỹ nhằm khai thác tối đa những lợi ích từ việc triển khai Hiệp định này, giảm thiểu những tác động tiêu cực và tăng cường thu hút đầu tư của Mỹ trên cơ sở đảm bảo sự quản lí của Nhà nước đối với hoạt động này. Tiến hành vận động các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào Việt Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam” - theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


cucpth

Báo Hải Quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên