MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vốn FDI sụt giảm: Chỉ là tạm thời

Vốn FDI vào Việt Nam những tháng đầu năm 2015 sụt giảm mạnh. Song cơ quan quản lý vẫn tỏ ra lạc quan về tình hình thu hút FDI của năm 2015.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong quý I-2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,837 tỷ USD, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số vốn đăng ký cấp mới giảm 40,6% còn vốn đăng ký tăng thêm cũng giảm 51,8% so với cùng kỳ 2014.

Thực tế, vốn FDI sụt giảm vào dịp đầu năm không phải là chuyện lạ. Đầu năm 2014, vốn FDI vào Việt Nam cũng giảm mạnh. Song cả năm 2014, thu hút FDI vẫn vượt mục tiêu đề ra khi đạt tới hơn 20 tỷ USD.

Không tỏ ra lo lắng khi đầu tư nước ngoài 3 tháng giảm mạnh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài chia sẻ: Tiếp xúc với các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, EU, tôi thấy họ có vẻ muốn dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam, đặc biệt là nhiều nhà đầu tư Mỹ muốn dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và tôi đã dẫn họ đi nhiều nơi để xem xét địa điểm đầu tư. Nói vậy để thấy đây là xu hướng đang hiện hữu. Vốn FDI vào Việt Nam 3 tháng năm 2015 vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ có thể chỉ là xu hướng ngắn hạn.

Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, như vậy thị trường Việt Nam không phải chỉ 90 triệu dân nữa mà mở rộng sang cả thị trường ASEAN, Mỹ, EU. Nhiều sắc thuế cũng giảm mạnh, vậy không có lý do gì họ không đầu tư vào Việt Nam khi chúng ta có những chính sách rất tốt, nhất là khi Luật Đầu tư sửa đổi sắp có hiệu lực.

Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng: Hiện tại, nhìn vào số liệu 3 tháng để đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cả năm thì còn rất sớm. Tôi cho rằng số liệu này chỉ là hiện tượng tức thời, bởi theo dự báo đầu tư nước ngoài năm 2015 sẽ tốt hơn năm 2014, đặc biệt là thu hút mới và giải ngân. Bởi vì năm 2015 có sự dẫn dắt của yếu tố hội nhập với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do mới. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư tốt hơn.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài vẫn tỏ ra lạc quan về thu hút vốn FDI của năm 2015. Lý giải mức sụt giảm vốn FDI 3 tháng, ông Đặng Xuân Quang cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến FDI 3 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ là do “chưa xuất hiện các dự án lớn được cấp phép”.

Cụ thể, trong quý I-2015 số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, tuy nhiên trong quý I-2015 không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014 vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm giảm. Các dự án lớn vẫn đang trong quá trình đàm phán, chuẩn bị, chưa được cấp phép trong quý I.

Dù vậy, theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình vốn FDI vẫn có nhiều điểm sáng, trong đó vốn giải ngân vẫn ổn định, đạt 3,05 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. “Qua tiếp xúc với một số nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy một số DN đang trong khuynh hướng chờ đợi Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ 1-7-2015” – ông Quang nói.

Việc sụt giảm dòng vốn FDI nói chung có sự “đóng góp” của sự suy giảm dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Quý I-2015, vốn FDI của Nhật vào Việt Nam chỉ đạt 294 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái đạt 414 triệu USD. Điều này dấy lên nhiều thắc mắc bởi Nhật Bản là nhà đầu tư có nhiều “duyên nợ” với Việt Nam. Đánh giá về điều này, ông Đặng Xuân Quang cho rằng:  Có thể nói vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam suy giảm chỉ là hiện tượng nhất thời.

Bởi kinh tế Nhật Bản  quý II, III- 2014 và quý I-2015 đều không tốt. Cả năm 2014 kinh tế Nhật chỉ tăng trưởng 0,004% và quý I-2015 dự báo cũng chỉ tăng khiêm tốn. Các chính sách của Nhật cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Nhật Bản kinh doanh ở trong nước.

Nhưng xu hướng này chỉ trong ngắn hạn, về dài hạn họ vẫn sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản vừa qua cũng cho thấy gần 70% DN Nhật Bản thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.

Nói về giải pháp nâng cao dòng vốn FDI thời gian tới, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: Trong thời gian tới, vấn đề quan trọng là phải rà soát lại các quy định, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư trong việc xây dựng một môi trường đầu tư thuận lợi.

Nhấn mạnh công tác xúc tiến đầu tư, ông Đặng Xuân Quang đánh giá: Mặc dù không phải tác động trực tiếp làm tăng giảm dòng vốn nhưng xúc tiến đầu tư có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư tìm hiểu môi trường Việt Nam. Năm 2015 đề nghị các bộ, ngành nghiêm túc triển khai nghị định quản lý xúc tiến đầu tư, tránh trùng lặp, chồng chéo và không hiệu quả.

Trong quý I-2015 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 115 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,4 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 38 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 123,36 triệu USD.

Theo Lương Bằng

 

PV

Báo Hải quan

Trở lên trên