MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WB: Mục tiêu cổ phần hóa DNNN năm 2015 khó khả thi

Chính phủ Việt Nam nên duy trì triển khai tái cơ cấu DNNN, tạo sân chơi công bằng cũng như tạo ra cơ chế giúp củng cố hiệu quả hoạt động của DNNN và triển vọng tăng trưởng nói chung.

Theo nhận xét của Ngân hàng Thế giới (World Bank), doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là những thành tố quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.

Tổ chức này dẫn chứng: DNNN hiện chiếm khoảng 1/3 tổng số tài sản kinh doanh, 1/4 sản lượng và 1/8 lực lượng lao động…

“Hiệu quả hoạt động của DNNN có ý nghĩa đối với tiềm năng tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam” – World Bank nhấn mạnh.

Hiện tại, một số DNNN được hưởng đặc quyền tiếp cận nguồn vốn và có thể hưởng lợi từ khung pháp quy và thực thi thuận lợi. Tuy nhiên, World Bank cho rằng đây lại là một trong những rào cản doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường hay tăng trưởng.

Đồng thời, phân tán trách nhiệm và đôi khi chồng chéo trách nhiệm trong quản lý DNNN và công tác quản trị DN yếu kém trong quản lý DNNN và điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực ở cấp công ty.

Trong năm 2012 Chính phủ đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu gần 1.200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước còn để lại. Tiến độ cổ phần hóa được đẩy nhanh trong năm 2014 mặc dù việc triển khai cổ phận hóa tại 143 DNNN còn thấp hơn so với mục tiêu tham vọng cổ phần hóa 200 doanh nghiệp mỗi năm của Chính phủ.

“Tiến độ đã chậm lại trong năm 2015 và chỉ cổ phần hóa được 29 DNNN trong quý I năm nay cho thấy mục tiêu cổ phần hóa 289 DNNN trong năm 2015 khó khả thi” – World Bank nêu.

Bên cạnh các yêu cầu thủ tục phức tạp quá trình triển khai cổ phần hóa còn bị ảnh hưởng bởi sự thờ ơ của các nhà đầu tư với cổ phiếu của các doanh nghiệp cổ phần hóa – đặc biệt là cổ phiếu thiểu số tại DNNN.

World Bank cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên duy trì triển khai tái cơ cấu DNNN, cải thiện hơn nữa công tác quản trị doanh nghiệp và các biện pháp tạo sân chơi công bằng cũng như tạo ra cơ chế ngân sách cứng có thể giúp củng cố hiệu quả hoạt động của DNNN và triển vọng tăng trưởng nói chung.

Cũng theo tổ chức này, Việt Nam cần tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xóa bỏ đặc quyền đặc lợi mà DNNN được hưởng bao gồm tiếp cận vốn ngân hàng và các nguồn vốn tài trợ khác, ưu đãi về thuế, mua sắm công và các lợi thế khác.

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên