WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội
Trong những năm qua, Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn, hết sức quan trọng. Thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội tạo được những tiền đề chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- 15-01-2016WB: TPP sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 30%
- 08-01-2016WB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10% trước năm 2030 nhờ TPP
- 19-12-2015WB thêm chỉ tiêu đánh giá, ngành thuế lo?
Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Sau đây là nội dung phỏng vấn:
- Bà đánh giá như thế nào về những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội những năm qua?
Bà Victoria Kwakwa: Việt Nam đã thay đổi nhiều sau ba mươi năm đổi mới. Từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo, kế hoạch tập trung, đóng cửa với phần lớn thế giới bên ngoài, đến nay Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình năng động, đô thị hóa nhanh với nền kinh tế theo định hướng thị trường. Việt Nam đã mở cửa thương mại và đầu tư quốc tế, đang hội nhập các mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ấn tượng, công bằng và ổn định.
Trên tất cả các lĩnh vực đều được cải thiện đáng kể. Nghèo đói đã giảm rất nhanh, tỉ lệ nghèo đã giảm từ 50 % vào đầu những năm 1990 xuống còn 3% hiện nay.
Không chỉ thu nhập cao hơn, người dân Việt Nam còn đạt được trình độ học vấn cao hơn và có tuổi thọ cao hơn hầu hết các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Trong những cuộc thi quốc tế gần đây, học sinh Việt Nam thể hiện tốt hơn mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), với sự khác biệt rất nhỏ giữa các nhóm thu nhập và giữa thành thị-nông thôn. Tỉ lệ tử vong ở các bà mẹ đã giảm xuống dưới mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình, trong khi tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm xuống một nửa, chỉ cao hơn tỉ lệ trung bình một chút.
Việc tiếp cận cơ sở hạ tầng cơ bản cũng đã cải thiện đáng kể. Hiện tại hầu hết các gia đình đều có điện dùng, so với chưa đến một nửa số hộ dân có điện vào năm 1993. Tiếp cận nước sạch và vệ sinh hiện đại đã tăng từ dưới 50 % số hộ lên đến hơn 75%.
- Việt Nam hiện đã ra khỏi danh sách các nước nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình. Bà có thể cho biết những cơ hội và thách thức của Việt Nam vào năm 2016 và các năm tiếp theo?
Bà Victoria Kwakwa: Bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực khi Việt Nam bước vào năm 2016. Việt Nam đã hồi phục từ sự suy giảm trong bốn năm qua và hiện đang bắt đầu quỹ đạo phát triển. Chúng tôi tin rằng, sự phục hồi kinh tế này sẽ được duy trì trong bối cảnh thị trường thế giới bất ổn hiện nay. Triển vọng kinh tế Việt Nam được cho là phát triển mạnh hơn so với một số nước trong khu vực.
Việt Nam đang bắt đầu một làn sóng mới của hội nhập quốc tế và khu vực, mở ra những thị trường mới, hỗ trợ công cuộc công nghiệp hóa, mang tới cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ vượt lên trên khuôn khổ của hội nhập thương mại thông thường và thúc đẩy hiện đại hóa và chuyển biến của Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong một loạt các vấn đề thể chế bao gồm mua sắm công, quan hệ lao động, quyền sở hữu trí tuệ.
Việt Nam đã bắt đầu có được sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư theo sau các hiệp định quốc tế và đã có sự dịch chuyển của một số doanh nghiệp từ nước khác, nhằm tận dụng lợi thế của việc triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sắp tới.
Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức. Đối với nền kinh tế mở của Việt Nam, cần có dự trữ ngoại hối mạnh mẽ hơn để đảm bảo an toàn trước những biến động bên ngoài. Tái cấu trúc lại không gian tài chính và dự trữ ngoại hối lớn hơn sẽ củng cố khả năng thích ứng của kinh tế vĩ mô, giúp nền kinh tế đối phó tốt hơn với những cú sốc cả trong và ngoài nước.
Ngoài những vấn đề cần quan tâm trước mắt, Việt Nam cũng phải đối mặt với các thách thức về cấu trúc như: hoàn thiện việc chuyển đổi kinh tế thị trường, đặc biệt là thực hiện cơ chế thị trường hiệu quả nhằm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền sở hữu và xác định lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; tận dụng cơ hội hội nhập để đẩy mạnh công nghiệp hóa; tăng cường học hỏi và sáng tạo; sử dụng đô thị hóa để thúc đẩy tăng trưởng; đi theo lộ trình phát triển bền vững vì môi trường hơn nữa bao gồm việc xây dựng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chương trình hành động trên là cấp thiết cho Việt Nam để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và tiếp tục cải thiện sự cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam đối mặt với những thách thức về việc đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ xã hội và sinh kế cho người nghèo, người tàn tật, người dân nhập cư đô thị. Xã hội thu nhập trung bình và già hóa nhanh chóng của Việt Nam sẽ đòi hỏi tiếp cận giáo dục chất lượng tốt, bảo hiểm sức khỏe toàn diện, một hệ thống hưu trí vững chắc.
Cuối cùng, cơ chế quản lý của Việt Nam sẽ cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng khát vọng của một nền kinh tế có thu nhập trung bình, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng, toàn diện, bền vững.
Việt Nam có thể sử dụng làn sóng hội nhập mới tiếp thêm sức mạnh, đề ra những cải cách mạnh mẽ, chuẩn bị cho nền kinh tế bền vững của đất nước “cất cánh,” đảm bảo thành công của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình thịnh vượng trong những năm tới. Chúng tôi chúc Việt Nam thành công hơn nữa trong năm 2016 và những năm sau đó.
- Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới có những ưu tiên hợp tác như thế nào đề giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển đất nước hiệu quả, bền vững?
Bà Victoria Kwakwa: Hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam được đưa ra theo các ưu tiên phát triển của đất nước được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội. Chiến lược hiện nay của chúng tôi, kết thúc vào năm 2016, có 3 trụ cột chính: cạnh tranh, bền vững và cơ hội.
Dưới trụ cột cạnh tranh, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình đổi mới cấu trúc và quản lý kinh tế Việt Nam ; bao gồm tái cấu trúc nông nghiệp và hiện đại hóa và cung cấp nguồn vốn cho các khoản đầu tư hạ tầng quan trọng trong các lĩnh vực điện, giao thông và nước.
Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững của chúng tôi sẽ tập trung vào các khoản đầu tư nhằm khắc phục ô nhiễm công nghiệp, mở rộng rừng ngập mặn ven biển, bắt đầu hướng tiếp cận lồng ghép theo khu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và tăng cường các khoản đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo.
Nhằm thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và sinh kế tại các cộng đồng nghèo nhất, bao gồm các cộng đồng dân tộc ít người, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các khu vực thu nhập thấp và thiết kế các khoản đầu tư khác cho Chương trình nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia mới về giảm nghèo bền vững.
Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2016–2020, khẳng định lại các ưu tiên chính của chính phủ: duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường cơ chế thị trường, đầu tư vào hạ tầng hiện đại và phát triển lực lượng lao động tay nghề cao. Ngân hàng Thế giới hiện đang chuẩn bị thiết kế chiến lược tiếp theo nhằm hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội 2016-2020 và sẽ tiếp tục mang tới một loạt các công cụ để các bạn sử dụng: tri thức, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội 2016-2020.
- Trân trọng cảm ơn bà!