MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WSJ: Trung Quốc và Nhật Bản “cạnh tranh” viện trợ cho Việt Nam

Theo nhận định trên tờ Wall Street Journal mới đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm trong cuộc chiến viện giữa hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản.

Tóm tắt:

- Wall Street Journal cho biết, Bắc Kinh và Tokyo đều đang ra sức tăng cường đầu tư và viện trợ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu xây dựng các cơ sở sản xuất giá rẻ.

- Năm 2014, Nhật Bản đã viện trợ khoảng 1,8 tỷ USD cho Việt Nam, xây dựng một nhà ga mới tại sân bay quốc tế Nội Bài và một đường cao tốc đưa khách du lịch vào thủ đô Hà Nội.

- Năm 2013, viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đạt 7,1 tỷ USD; đứng thứ 6 trên thế giới sau Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật Bản.


Một bài báo đăng trên Wall Street Journal cho biết, Bắc Kinh và Tokyo đều đang ra sức tăng cường đầu tư và viện trợ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu xây dựng các cơ sở sản xuất giá rẻ do vị trí chiến lược của Việt Nam trên tuyến đường vận chuyển dầu mỏ.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản luôn đứng đầu trong danh sách các quốc gia có viện trợ tại Việt Nam. Năm 2014, Nhật Bản đã viện trợ khoảng 1,8 tỷ USD cho Việt Nam, xây dựng một nhà ga mới tại sân bay quốc tế Nội Bài và một đường cao tốc đưa khách du lịch vào thủ đô Hà Nội.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng nỗ lực tài trợ cho Việt Nam thông qua xây dựng một loạt các nhà máy nhiệt điện, được tài trợ bởi Ngân hàng xuất khẩu Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các nhà máy của Trung Quốc xây dựng thường bị đình trệ và không sử dụng lao động địa phương.

Theo Wall Street Journal, do biến động tình hình biển Đông năm 2014 khiến Việt Nam muốn giảm sự phụ thuộc vào các khoản viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc. Một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia cũng than phiền về chất lượng của các nhà máy điện Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Myanmar mở cửa lại cho các nhà đầu tư Phương Tây cũng là một tín hiệu cho thấy quốc gia này cũng muốn giảm phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Năm 2011, Myanmar đã đình chỉ xây dựng dự án đập nước 3,6 tỷ USD của Trung Quốc và năm 2014 cũng trì hoãn một kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc giữa 2 nước.

Theo Wall Street Journal, thách thức lớn đối với Nhật Bản hiện nay là việc Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một ngân hàng phát triển mới cạnh tranh với ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á) do Nhật Bản điều hành từ những năm 90.

Hoa Kỳ và Nhật Bản đều tỏ ra lo ngại việc Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc thành lập sẽ cho vay mà không xem xét đảm bảo vấn đề về môi trường cũng như những tiêu chí an toàn khác.

Năm 2013, viện trợ nước ngoài của Trung Quốc đạt 7,1 tỷ USD; đứng thứ 6 trên thế giới sau Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật Bản. Trong khi đó, một báo cáo gần đây của chính phủ Trung Quốc cũng cho biết nước này đã viện trợ ra nước ngoài khoảng 14,4 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2012.

Theo thống kê, đến cuối những năm 2000, doanh nghiệp Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các nhà máy điện tại Việt Nam. Sau đó, các tập đoàn Trung Quốc tham gia “cuộc chiến” nhờ các khoản vay giá rẻ. Các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết giá thành xây dựng nhà máy điện của Trung Quốc chỉ bằng 1/3 so với họ.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukuda đánh giá, có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Fukuda cũng cho biết Nhật Bản đang nỗ lực để tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Mới đây, tập đoàn Itochu Corp của Nhật Bản cho biết họ sẽ mua cổ phần của Tập đoàn dệt may Việt Nam. Một trong những mục tiêu của dự án này là phát triển ngành dệt may Việt Nam - vốn đang nhập khẩu 3 tỷ USD vải từ Trung Quốc mỗi năm.

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Wall Street Journal

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên