Lạm phát 9 tháng thấp nhất 10 năm
Trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 9 đã giảm so với tháng trước. Lạm phát 9 tháng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%...
- 22-08-2015“Bóng ma” lạm phát không đáng lo bởi tỷ giá
- 21-08-2015TS.Vũ Đình Ánh: Điều chỉnh tỷ giá tác động rất nhỏ đến lạm phát
- 31-07-2015Khi lạm phát - tăng trưởng chuyển động ngược
Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước 9 tháng năm 2015. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2014.
Ở một gốc so sánh khác, so với tháng 12/2014, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 đã tăng 0,4%. Bình quân 9 tháng đầu năm nay, CPI cả nước chỉ tăng 0,75% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 9 đã giảm so với tháng trước. Lạm phát 9 tháng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.
Đóng góp vào mức giảm chung của chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 có 4/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông giảm mạnh 3,17% đã “kéo” CPI tháng 9 tiếp tục giảm so với tháng trước.
Nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng giảm 0,68%
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%
Nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,07%
Ở chiều ngược lại, tháng 9 có 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%
Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,21%
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,43%
Nhóm giáo dục tăng 1,24%
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%...
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, CPI tháng 9 giảm do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, giá xăng được điều chỉnh giảm 2 lần vào ngày 19/8 và ngày 3/9 đã góp phần làm cho chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,17% và “kéo” CPI giảm khoảng 0,28%.
Thứ hai, từ ngày 1/9/2015 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 12.000 đồng/bình. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp giá gas liên tục giảm với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình.
Thứ ba, do thời tiết chuyển sang mùa thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%.
Thứ tư, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 9 không quá bất ngờ khi trước đó Cục thống kê Hà Nội và Cục thống kê TP Hồ Chí Minh công bố CPI 2 thành phố này đều giảm so với tháng trước. Cụ thể, CPI Hà Nội giảm 0,1% và CPI TP Hồ Chí Minh giảm 0,47% so với tháng 8/2015.
Không nằm trong giỏ tính chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 3,54% và chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 2,71% so với tháng trước.