MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất siêu 1,5 tỉ USD năm 2014: Đích đến không còn xa?

Số liệu báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 10/2014 của Tổng cục thống kê cho thấy, mục tiêu xuất siêu khoảng 1,5 tỉ USD trong năm 2014 là có thể đạt được.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ

Theo Tổng cục thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2014 ước tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013 (Quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,9%, quý III tăng 7,8%); cao hơn mức tăng 5,6% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%; ngành khai thác tăng 0,7%.

Trong các sản phẩm công nghiệp, điện thoại di động đạt mức tăng trưởng lớn nhất với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia nhập của Samsung với hai nhà máy lớn tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trong thời gian qua đã đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất và xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động.

Theo sau đó, sản xuất ô tô tăng 28,5%; sữa tươi tăng 21,6%; giày dép da tăng 18,3%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,5%; tivi tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ công nghiệp tăng

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2014 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 33,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 17,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,8%.

Xuất siêu gần 1,9 tỉ USD sau 10 tháng

Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, tính từ đầu năm đến tháng 10/2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 123,1 tỷ USD; tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 244,3 tỉ USD.

Riêng tháng 10/2014, cả nước nhập siêu khoảng 400 triệu USD. Như vậy sau khi đạt mức thặng dư thương mại kỷ lục gần 3 tỉ USD vào tháng 8/2014; Việt Nam đã có hai tháng liên tiếp nhập siêu. Tuy nhiên, mức nhập siêu không quá lớn và tính chung cả 10 tháng năm nay, thặng dư thương mại của cả nước vẫn đạt 1,87 tỉ USD.

Điện thoại các loại, linh kiện và hàng dệt may vẫn duy trì phong độ ổn định và là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong 10 tháng qua. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD; tăng 6,9%; hàng dệt may đạt 17,6 tỷ USD; tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2013. Hai mặt hàng chủ lực này đóng góp gần 30% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Theo sau đó là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,7 tỉ USD; bằng cùng kỳ năm trước; giày dép đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,1%; hàng thủy sản đạt 6,5 tỷ USD; tăng 20,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,9 tỷ USD; tăng 20,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 13,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9%; cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng 33,9%; …

Top 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất 10 tháng năm 2014

Các thị trường xuất khẩu chính đều tăng trưởng tốt

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, trong 10 tháng năm 2014, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN với kim ngạch đạt 23,4 tỷ USD; tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. 

Tiếp theo là EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 12,8%; ASEAN đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5%; Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 16,2%; Nhật Bản đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,9%; ... Như vậy, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của VN trong 10 tháng qua đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. 

>>>Tháng 8 xuất siêu 1,1 tỷ USD, thặng dư thương mại kỷ lục 3 tỷ USD

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên