MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì những lý do này đồng USD mạnh sẽ là tin rất xấu đối với kinh tế thế giới

06-12-2016 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Đà tăng giá của đồng USD sẽ là một điều rất đáng chào đón, nếu như không xét đến thực trạng đồng tiền này đang là trung tâm của hệ thống tài chính quốc tế.

Đồng tiền quan trọng nhất thế giới đang "phô khoe cơ bắp của mình". Trong ba tuần sau chiến thắng của tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng USD đã có một trong những đợt tăng giá mạnh nhất so với các ngoại tệ khác. Giá USD ở thời điểm hiện tại cao hơn 40% so với mức đáy năm 2011.

So với các đồng tiền từ các thị trường mới nổi, vị thế của đồng USD cũng được củng cố. Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô kể từ năm 2008; các quan chức Trung Quốc đầy lo lắng hiện đang phải cân nhắc áp dụng những biện pháp hạn chế doanh nghiệp trong nước thâu tóm các doanh nghiệp ngoại nhằm đẩy lùi áp lực giảm giá đè nặng nhân dân tệ.

Đồng tiền của Ấn Độ, quốc gia đang phải vật lộn với chính những rắc rối của mình, đã chạm mức thấp nhất so với đồng đô. Nhiều đồng tiền của các nước Châu Á khác cũng trải qua những đợt giảm giá mạnh chưa từng có kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vào những năm 1997-1998.

Đồng đô đang dần dần giành lại sức mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đứng sau đợt tăng giá đô mạnh mới nhất này lại là khả năng chuyển đổi nhiều chính sách kinh tế tại Mỹ. Phần lớn các nhà đầu tư đều đặt cược rằng tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giảm thuế và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động củng cố những cơ sở hạ tầng đang lung lay tại Mỹ.

Thúc đẩy tài khoá mạnh có thể sẽ kích thích Cục Dự trữ Liên Bang FED tăng lãi suất nhanh hơn nhằm kiểm soát lạm phát. Lợi tức trái phiếu 10 năm của Mỹ cũng đã tăng từ 1,7% lên 2,3% trong đêm bầu cử. Lợi tức cao hơn chính là một viên nam châm thu hút dòng vốn.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng nhanh hơn có vẻ như là một tín hiệu đáng mừng. Một trường hợp tương tự từng được ghi nhận là nhiệm kỳ đầu tiên của cựu tổng thống Ronald Reagan, thời kỳ thâm hụt ngân sách mở rộng với lãi suất cao, giá đồng đô tăng mạnh.

Tuy nhiên, tình hình khi đó lại gây ra nhiều rắc rối cho các quốc gia khác, và tình huống hiện tại có thể còn phức tạp hơn rất nhiều. Mặc dù so với thời kỳ của ông Reagan, nền kinh tế Mỹ không còn nắm giữ thị phần lớn trong nền kinh tế thế giới như trước đây, nhưng quy mô của các thị trường tín dụng và tài chính toàn cầu lại lớn hơn rất nhiều. Vai trò then chốt của đồng đô hiện đã tăng lên. Và vì vậy, đồng đô mạnh hơn chắc chắn sẽ đem tới nhiều nguy cơ cho thế giới và cả nước Mỹ.

Bắt đầu một trật tự mới

Ảnh hưởng tương đối của nước Mỹ với vai trò là một cường quốc thương mại hiện đang đi xuống: từ 44 nước vào năm 1994, chỉ sau hai thập kỷ, Mỹ chỉ còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của 32 quốc gia.

Tuy nhiên, vai trò tối thượng là phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị của đồng đô vẫn còn nguyên vẹn. Một vài khía cạnh quyền lực của đồng đô là khá rõ rệt. Theo dự tính vào năm 2014, khu vực đồng đô thực tế, bao gồm Mỹ và các nước có tiền tệ biến động theo đồng đô, chiếm 60% dân số thế giới và 60% GDP toàn cầu.

Bên cạnh đó, lượng đầu tư bằng đồng đô bên ngoài nước Mỹ đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Các thị trường mới nổi đang dần giàu lên và nhu cầu tài chính cũng tăng lên; nhu cầu cho đồng đô cũng tăng lên tương tự.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, tỉ lệ lãi suất thấp tại Mỹ đã buộc các quỹ lương hưu phải tìm kiếm lợi tức từ những nguồn khác. Những quỹ này đã nhanh chóng mua vào trái phiếu định giá bằng đồng đô do các nước không đảm bảo phát hành như Mozabique hay Zambia, cũng như từ các công ty lớn mới xuất hiện trên thị trường. Những đơn vị phát hành này đều rất sẵn lòng vay bằng đô ở lãi suất thấp hơn lãi suất trong nước. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đến cuối năm ngoái, hình thức nợ đô la này đã đạt 10 nghìn tỉ, trong đó, khoản vay từ các thị trường mới nổi chiếm một phần ba.

Khi đồng đô tăng giá, chi phí thanh toán những khoản nợ này cũng tăng theo. Tuy nhiên, nguy cơ của đồng đô mạnh còn vượt qua những tác động trực tiếp của nó tới những người vay bằng đô. Các dòng vốn sẽ đẩy giá tài sản địa phương lên cao, kích thích vay nhiều hơn. Không phải khoản vay bằng đô nào của các doanh nghiệp từ các thị trường mới nổi cũng đều dùng cho mục đích đầu tư; một số khoản vay nằm trong các tài khoản ngân hàng (để cho vay một lần nữa) hoặc dùng để hỗ trợ tài chính cho những công ty khác.

Đồng đô mạnh sẽ đảo ngược chu kỳ này. Khi đồng đô tăng, người vay cần phải chi tiêu tiết kiệm nhằm thanh toán chi phí cho các khoản vay của họ. Khi vốn chảy ra ngoài, giá tài sản giảm. Hệ quả là hệ thống tín dụng ở nhiều nơi ngoài nước Mỹ sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn với vận mệnh của đồng đô. Không phải ngẫu nhiên khi một số kẻ bại trận thê thảm nhất so với đồng đô trong thời gian gần đây lại là đồng tiền của các nước như Brazil, Chile và Turkey, những quốc gia sở hữu nhiều khoản nợ bằng đô.

Nguy cơ cho nước Mỹ

Nước Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi đồng đô tăng giá. Thâm hụt thương mại sẽ nới rộng bởi đồng tiền mạnh thường chèn ép xuất khẩu và vắt kiệt nhập khẩu. Trong thời kỳ của ông Reagan, thâm hụt tăng cao đã thổi bùng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ khởi đầu với tình huống thâm hụt lớn; thâm hụt này đã được chính trị hoá không chỉ bởi tổng thống đắc cử Donald Trump, người coi đây là bằng chứng cho thấy các quy định thương mại quốc tế đem lại lợi ích cho các quốc gia khác.

Thâm hụt lớn hơn sẽ góp phần gia tăng cơ hội cho phép ông Trump thực hiện lời đe doạ áp đặt nhiều thuế quan gay gắt hơn lên hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico nhằm đạt được trạng thái cân bằng thương mại. Nếu ông Trump không thể cưỡng lại bản năng bảo hộ của mình, tất cả đều phải hứng chịu tai hoạ.

Nếu đồng đô vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh, liệu các động thái phối hợp quốc tế có thể xoa dịu áp lực bảo hộ? Một cuộc đàm phán mới về một hiệp định mới được xem như đối thủ của Hòa ước Plaza (được ký kết vào năm 1985 giữa Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp và Tây Đức) nhằm ép giá đồng đô một lần nữa dường như đang đi lạc hướng. Nhật Bản và Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát thấp và cả hai đều không quá ham mê viễn cảnh nội tệ tăng giá, chưa kể đến khả năng cần có các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm bảo hộ chính mình.

Thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây liên tiếp lập đỉnh. Tuy nhiên, có lẽ các nhà đầu tư đang vui mừng quá sớm. Kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt và những "cơ bắp" của đồng USD sẽ khiến thế giới yếu đi.

Quỳnh Mai

Economist

Trở lên trên