MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao AirAsia có thể bán vé máy bay 5.000 đồng cho 2,5 nghìn km?

04-04-2017 - 15:27 PM | Tài chính quốc tế

Có những thời điểm, một chuyến bay từ thủ đô Kuala Lumpur đi Ma Cao (2.474 km) chỉ tốn 0,99 RM (khoảng 5.000 đồng).

Bình minh của hãng hàng không màu đỏ

Một trong những bí quyết khiến Air Asia thành công nhanh chóng như vậy là nhờ hệ thống quản lý hiệu quả, giảm 20% mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như tăng gấp đôi số lần hạ cánh dựa trên bình quân tuổi thọ mỗi chiếc lốp máy bay. Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), chi phí nhiên liệu chiếm tới 33% chi phí của hãng hàng không trong khoảng 2012-2013.

Có thể nói, chính năng suất làm việc và đạo đức nghề nghiệp đã giúp Air Asia không chỉ vượt mặt Malaysia Airlines mà còn cạnh tranh được với nhiều ông lớn hàng không giá rẻ khác. Rất nhiều vấn đề tại Air Asia được giải quyết chỉ trong vòng 24 giờ thay vì phải đợi nhiều tuần như ở Malaysia Airlines.

Đối với CEO Tony Fernandes, giá rẻ mới là tiêu chí hàng đầu thu hút khách hàng trong khi những thứ phụ thêm như hệ thống giải trí, thực phẩm... tiêu tốn nhiều tiền của chỉ là lãng phí. Hơn nữa, đúng giờ, an toàn và hiệu quả cũng là những mục tiêu quan trọng với khách hàng. Bởi vậy, kỷ luật và năng suất lao động của nhân viên là những thứ được Fernandes đặt lên hàng đầu.

Với việc không phận Châu Á bị quản lý chặt chẽ với những quy định hạn chế nghiêm ngặt, Air Asia tìm cách hóa giải bằng phương pháp lập công ty liên doanh.

Việc liên doanh như vậy khiến Air Asia đảm bảo chiến lược tập trung vào các đường bay ngắn không quá 4 tiếng của mình.

Năm 2003, Air Asia và Shin Corporation thành lập Thai Air Asia. Hãng Air Asia nắm 49% của liên doanh mới này trong khi Shin Corporation nắm 50%.

Vào năm 2007, ban quản lý của Thai Air Asia mua lại 50% cổ phần của Shin Corporation để tách công ty này ra khỏi sự ảnh hưởng của chính quyền Bangkok.

Đây là một động thái chiến lược của Air Asia nhằm tấn công vào thị trường 70 triệu dân của Thái Lan nhưng mới chỉ có 3% di chuyển bằng đường hàng không, trong khi đây lại là quốc gia du lịch nổi tiếng trên thế giới. Đặc biệt hơn là những hãng hàng không đăng ký tại Thái được phép bay đến các quốc gia khác nhờ Thương quyền thứ 5 (Fifth Freedom Rights).

Vào năm 2004, Air Asia tiếp tục mua lại hãng hàng không AWAIR (hiện là Indonesia Air Asia) của Indonesia đang ngập trong nợ nần với cái giá rẻ mạt "2 USD" (hãng phải thanh toán các khoản nợ của AWAIR). Tuy nhiên, nhờ thương vụ này mà Air Asia tiếp cận được thị trường 200 triệu dân với nhiều hòn đảo và nhu cầu hàng không khá lớn tại đây.


Nhà sáng lập Richard Branson của hãng hàng không giá rẻ Virgin Airlines và tỷ phú Tony Fernandes.

Nhà sáng lập Richard Branson của hãng hàng không giá rẻ Virgin Airlines và tỷ phú Tony Fernandes.

Tiềm năng tại thị trường ASEAN là rất lớn khi có tới 600 triệu dân, cao hơn nhiều mức 350 triệu của Mỹ và 300 triệu của Châu Âu. Đó là chưa kể đến lượng sử dụng dịch vụ hàng không còn nhỏ nhưng nhu cầu lại ngày một tăng cao.

Do đó, chiến lược liên doanh lách các quy định khó, mở rộng chi nhánh và đường bay ngắn tại Châu Á của Air Asia thực sự đang đem lại hiệu quả cho công ty.

Một ưu điểm nữa khiến Air Asia thành công là việc bán hàng qua Internet. Hiện 75% khách hàng của hãng giao dịch online và chúng giúp Air Asia tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Theo Fernandes, công ty sẽ phải mở hơn 100 đại lý và tổng đài nếu khách hàng tăng từ 200.000 lên 18 triệu. Tuy nhiên với Internet, Air Asia không cần quá nhiều vốn đầu tư để mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, Fernandes cho rằng bất cứ nhà khởi nghiệp hay đầu tư nào cũng nên xây dựng một mô hình kinh doanh sinh lời nếu muốn thành công. Ngành vận tải là một ngành công nghiệp khổng lồ còn con người thì luôn có nhu cầu đi lại, trong khi Châu Á là một thị trường vô cùng tiềm năng và Air Asia thì áp dụng một mô hình thành công đã được công nhận. Với giá vé rẻ như vậy, hầu như mọi khách hàng tại Châu Á đều có thể bay.

Phần lớn các chuyến bay của Air Asia không quá 4 tiếng và nếu có, chúng cần được xem xét kỹ về mặt lợi nhuận. Nhờ đó, một phi hành đoàn có thể chở nhiều lượt khách hơn trong khi không tốn nhiều chi phí ăn ở, trợ cấp cho họ bởi nhân viên có thể trở về nhà cùng ngày.

Những địa điểm hạ cánh cũng được hãng này tính toán, ví dụ thay vì đỗ ở Hong Kong đắt đỏ, hãng mở chuyến bay đến Ma Cao trước để hành khách tự đi tàu điện đến Hong Kong.

Một yếu tố nữa được Air Asia áp dụng triệt để là truyền thông bởi báo chí thích câu chuyện vượt khó của hãng. Bởi vậy, Air Asia có thể quảng cáo miễn phí câu chuyện cổ tích của mình.

5.000 đồng cho 2,5 nghìn km

Nếu bạn ở Malaysia, bạn sẽ không lạ gì những chuyến bay khuyến mãi siêu rẻ của Air Asia. Có những thời điểm, một chuyến bay từ thủ đô Kuala Lumpur đi Ma Cao (2.474 km) chỉ tốn 0,99 RM (khoảng 5.000 đồng).

Vậy làm sao Air Asia hạ giá vé rẻ đến mức như vậy khi vẫn lãi hàng trăm triệu USD?

Nguyên nhân rất đơn giản, hãng biết đường bay nào có đông khách và đường bay nào đông theo thời vụ.

Với những chuyến bay đông khách, Air Asia thu được lợi nhuận khủng nhờ đông người đi là điều không thể bàn cãi. Còn những chuyến vắng khách, hoặc thậm chí không có người, Air Asia sẽ tận dụng chúng đề bán vé siêu rẻ bởi đằng nào những chiếc ghế đó cũng trống.

Chiến thuật này giúp khách hàng có cảm tưởng hãng vẫn đông khách và quảng cáo cho thương hiệu bằng hiệu ứng truyền miệng. Việc bán vé chỉ vài nghìn hoặc thậm chí tặng không vé khiến mọi người ấn tượng sâu về hãng hàng không giá rẻ Air Asia, qua đó củng cố vị thế cũng như loại bỏ các đối thủ khác khỏi tâm trí người tiêu dùng.

Hơn nữa, những đợt giảm giá này khiến khách hàng đặt trước hàng tuần và lấp đầy các máy bay. Cho dù nhiều người không thực sự bay vào ngày đó nhưng việc mất 5 nghìn chả là gì nếu tiết kiệm được vài triệu. Ngoài ra, việc hết vé giảm giá sẽ kích thích mọi người mua vé thường của hãng.

Bằng những chiêu thức này, Air Asia đã tạo nên cơn sốt hàng không tại Malaysia cũng như nhiều nước láng giềng, đồng thời kích thích một cuộc cạnh tranh gay gắt với đối thủ như Malaysia Airlines.

Từ trước đến nay, nhiều người coi Malaysia Airlines và Air Asia là những đối thủ không đội trời chung. Tuy nhiên, ông Fernandes phủ định điều này và cho rằng hãng của ông chỉ khai thác một thị trường đã tồn tại nhưng bị bỏ quên chứ không cạnh tranh gì với Malaysia Airlines.

Nói cách khác, Air Asia nhắm vào những hành khách muốn giá rẻ, trong khi Malaysia Airlines lại phục vụ chủ yếu cho những khách hàng coi trọng chất lượng.

Tuy nhiên, do là một ngành kinh doanh nhạy cảm với tác động từ công đoàn cũng như chính phủ mà Air Asia lẫn Malaysia Airlines đều chưa thể cùng ngồi lại và hợp tác với nhau cho đến năm 2005.

Vào ngày lễ Ramadan năm 2005 khi nhu cầu hàng không nội địa giảm, lần đầu tiên Malaysia Airlines và Air Asia hợp tác cắt giảm số chuyến bay để tránh dư thừa công suất và lãng phí nhân lực. Đến năm 2006, Malaysia Airlines và Air Asia quyết định hợp tác trong mảng hàng không nội địa để cùng sinh lời thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Kế hoạch này khiến cả 2 dự kiến trước được giá vé, công suất, tần suất và thậm chí loại máy bay sử dụng cho các chuyến bay. Đồng thời, Malaysia Airlines và Air Asia cũng tránh được tình trạng bán phá giá vé khiến cả 2 bị ảnh hưởng về doanh thu.

Động thái này đã thay đổi đáng kể mô hình hoạt động của Air Asia khi hãng phải bay cả những chuyến chả có lời mấy. Bên cạnh đó, dù được lợi không phải cạnh tranh với Malaysia Airlines nhưng Air Asia vẫn cho rằng chính phủ thiên vị Malaysia Airlines với việc ưu tiên những đường bay đông khách cho hãng hàng không này.

Bất chấp như vậy, Air Asia vẫn hoạt động tốt và liên tục mở rộng ra các thị trường nước ngoài. Đối với họ, thị trường nội địa Malaysia chỉ là một miếng bánh trên thị trường toàn cầu.

Theo Băng Tâm

Thời Đại

Trở lên trên