MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bộ đệm dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng sụt giảm?

06-03-2023 - 17:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Vì sao bộ đệm dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng sụt giảm?

Theo Mirae Asset, tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm 2022. Tỷ lệ LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết đã giảm đáng kể xuống còn 120,9% vào cuối 2022 (giảm 24% so với cùng kỳ).

Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, nợ xấu của các nhà băng đã tăng đáng kể trong năm 2022 và dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2023.

Theo nhóm phân tích, mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu đã giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, giả định lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng. Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư bất động sản, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các chủ đầu tư bất động sản, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Ngoài ra, đáng chú ý, tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm: LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm đáng kể xuống còn 120,9% vào cuối 2022, (giảm 24% so với cùng kỳ). Mức giảm LLR phần lớn tác động bởi các ngân hàng có chỉ số LLR đặc biệt cao như Vietcombank, MB, ACB, Techcombank,... Nói cách khác, có thể các ngân hàng đang sử dụng bộ đệm dự phòng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.

Mirae Asset cho rằng, chi phí trích lập dự phòng rủi ro sẽ gia tăng trở lại. Trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, LLR giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022. Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên