Vì sao Bộ KH&ĐT không công bố danh tính 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc
Trước thông tin những người bỏ trốn là người quen biết với Bộ trưởng KH&ÐT, trả lời PV Tiền Phong, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Tôi đã kiểm tra kỹ, họ không liên quan gì tới tôi cả. Do phía công an đang điều tra nên danh tính ra sao không thuộc thẩm quyền công bố của bộ nữa”.
- 26-09-2019Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định "không bao che" trong vụ 9 người bỏ trốn ở Hàn Quốc
- 25-09-2019Tổng thư ký Quốc hội: 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc không thuộc đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội
Trong thông cáo báo chí mới nhất, Bộ KH&ĐT cho biết, theo thông tin từ các cơ quan hữu quan, hiện 2 người đã về nước, 7 người vẫn đang trốn ở lại Hàn Quốc.
Theo Bộ KH&ĐT liên quan vụ 9 người Việt Nam đã không có mặt tại sân bay lúc cất cánh về nước sau khi kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc của Quốc hội vào tháng 12/2018, Bộ KH&ĐT chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài - đơn vị đầu mối tổ chức đoàn - rà soát, rút kinh nghiệm.
Trao đổi qua điện thoại với Tiền Phong, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng đầu tư nước ngoài cho biết, cơ quan công an đang làm việc về vụ việc này. Khi phóng viên hỏi về quy trình rà soát hồ sơ doanh nghiệp (DN) tham gia đoàn, việc công bố danh tính những người trốn ở lại, ông Hoàng từ chối bình luận thêm.
Trong vai một DN muốn liên hệ đăng ký đi cùng các đoàn xúc tiến đầu tư đi cùng chuyên cơ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phóng viên gọi điện đến số điện thoại cơ quan của Phòng Xúc tiến đầu tư (Cục Đầu tư nước ngoài). Đại diện Phòng Xúc tiến đầu tư cho biết, thông thường, lịch trình các đoàn đi cùng lãnh đạo chỉ biết trước khoảng 1 tháng. Khi có lịch, Cục đầu tư nước ngoài sẽ thông báo rộng rãi để DN đăng ký.
Theo Phòng Xúc tiến đầu tư, quá trình rà soát hồ sơ của DN tuỳ theo tiêu chí của từng đoàn và chưa có tiêu chí chung.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc DN đi cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội là chủ trương nhằm tạo điều kiện cho DN, địa phương xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy thương mại.
Đối với đoàn xúc tiến thương mại, Bộ KH&ĐT chuẩn bị nội dung, chương trình, ký kết, tiếp xúc, lắng nghe cơ chế chính sách. Việc ăn ở, đi lại, Bộ KH&ĐT giao cho một đơn vị làm tour du lịch thực hiện. Ông Dũng khẳng định: “Bộ không đi làm tour, thu tiền”. Thay vào đó, việc này được giao cho Vietravel.
Ði chuyên cơ chụp ảnh lấy “số”?
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, VCCI đề nghị cơ quan chức năng cho phép DN được tham gia các đoàn đi công tác nước ngoài để kết nối giao thương. Chi phí mỗi DN tham gia đoàn cấp cao tùy thuộc vào thời điểm, địa điểm nước đến, có thể dao động từ trăm đến vài nghìn USD/chuyến đi/DN .
Theo ông Phòng, sự việc 9 người bỏ trốn, có thể do khoảng trống trong quá trình quản lý thực tế và bị các đối tượng lợi dụng. Ông Phòng cũng thừa nhận, trước đây có thực trạng, một số DN tìm cách “lọt” vào đoàn cấp cao để được đi cùng chuyên cơ với lãnh đạo cấp cao, chụp ảnh để đánh bóng tên tuổi. Nhưng hiện nay thực trạng này không còn.
Phối hợp với Hàn Quốc trục xuất những người bỏ trốn
Ngày 23/9, một đài truyền hình của Hàn Quốc thông tin, trong số 160 người đi theo đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã có 9 người không quay trở lại Việt Nam. Trả lời Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí khác, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, chuyến đi đó đúng là đã có 9 người trong đoàn "đi cùng" chuyên cơ và đã trốn ở lại Hàn Quốc.
"Văn phòng Quốc hội đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ KH&ÐT và Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam, Hàn Quốc phối hợp để trục xuất, đưa những người còn lại về", ông Phúc nói. Luân Dũng
Tiền Phong