Vì sao các nhà đầu tư giá trị đích thực luôn có khả năng mua đáy bán đỉnh?
Câu trả lời nằm ở việc giao dịch của nhà đầu tư giá trị tạo nên đỉnh và đáy của cổ phiếu, chứ không phải các nhà đầu tư này cố gắng dự đoán diễn biến thị trường.
- 08-04-2018Những tuyệt chiêu kiểm soát nỗi sợ khi thị trường đỏ máu?
- 04-04-2018Đây là hầm trú ẩn cho các nhà đầu tư khi thị trường cổ phiếu bước vào suy thoái kéo dài
- 24-03-2018"Công, tội" của Tổng thống Trump với thị trường chứng khoán Mỹ
- 23-03-2018Giới siêu giàu mất 70 tỷ USD vì thị trường bán tháo, Warren Buffett dẫn đầu với 3,02 tỷ USD bốc hơi
Warren Buffett là nhà đầu tư giá trị vĩ đại và được biết đến nhiều nhất trong lịch sử, với hàng loạt thương vụ đầu tư nổi tiếng vào các công ty như Gillette, Coca-cola, Wells Fargo. Trong hầu hết các thương vụ của mình, ông luôn mua được cổ phiếu ở mức giá rất thấp và bán được ở mức giá rất cao, đôi khi mức giá mà ông bán ra cũng là đỉnh của cổ phiếu đó.
Trên thực tế, không chỉ Warren Buffett, nhiều nhà đầu tư giá trị lớn khác – những người tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc đầu tư giá trị, mặc dù ít được biết tới hơn – cũng thường xuyên có những thương vụ "mua đáy bán đỉnh" tương tự như huyền thoại xứ Omaha. Có thể kể tới Seth Klarman, người đã đạt được tỷ suất sinh lời 16,4%/năm trong suốt giai đoạn 1983 – 2015 với quỹ đầu tư mạo hiểm Bauspot Group của mình. Hay Walter Schloss, một đồng nghiệp của Warren Buffett tại quỹ Graham-Newman, đạt được tỷ suất sinh lời trung bình 15%/năm trong suốt 50 năm quản lý đầu tư kể từ 1955.
Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những nhà đầu tư này đều phủ nhận việc cố gắng dự đoán đỉnh và đáy của giá cổ phiếu cũng như các dự đoán khác về thị trường, theo một cách rất giống nhau. Trong bức thư gửi cổ đông của mình năm 1994, Warren Buffett từng nói "…chúng tôi từ bỏ các nỗ lực dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình chính trị, vốn là những thứ đang lấy đi thời gian của những nhà đầu tư hiện nay…".
Vậy nếu không mua bán dựa trên những dự đoán về diễn biến giá của cổ phiếu, tại sao thời điểm mua bán của các nhà đầu tư giá trị này lại thường xuyên trùng hợp với các mức đỉnh và đáy của giá cổ phiếu như vậy?
Bản chất vấn đề nằm ở triết lý đầu tư giá trị
"Giá là thứ bạn phải trả. Giá trị là thứ bạn nhận được". Đó là lời của Warren Buffett. Ông có xu hướng tập trung vào hai khái niệm "giá" và "giá trị" khi đưa ra quyết định mua bán cổ phiếu. Ông mua vào cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang thấp hơn giá trị của nó, và bán ra cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang cao hơn giá trị. Như vậy, "đầu tư giá trị" là việc mua bán cổ phiếu trên cơ sở giá và giá trị của cổ phiếu, chứ không phải dựa vào cung và cầu – hay dòng tiền – đối với cổ phiếu đó.
Giá cổ phiếu là mức giá mà thị trường trả cho mỗi cổ phiếu của công ty. Trong khi giá trị cổ phiếu bao gồm toàn bộ những lợi ích mà nhà đầu tư nhận được khi nắm giữ cổ phiếu đó. Bao gồm cổ tức, quyền biểu quyết, sở hữu công ty ở hiện tại và tương lai cho tới khi nào mà nhà đầu tư ngừng nắm giữ cổ phiếu.
Vậy giá thấp hơn giá trị bao nhiêu thì đủ hấp dẫn để nhà đầu tư mua vào? Khoảng chênh lệch này thường được đề cập với tên gọi "Biên an toàn" (Margin of Safety). Độ lớn của Biên an toàn chủ yếu phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Biên an toàn của nhà đầu tư càng lớn, mức độ thận trọng của nhà đầu tư càng cao.
Mua khi hoảng loạn
Warren Buffett từng nói "thời điểm tốt nhất để mua vào cổ phiếu đó là khi công ty gặp khủng hoảng". Ông đã mua cổ phiếu của American Express khi công ty này vướng phải một vụ tai tiếng và phải đền bù một khoản tiền lớn bất thường. Đó là vào những năm 60. Ông cho rằng, tương lai của thẻ thanh toán là gần như chắc chắn, và những vụ bê bối cục bộ này chỉ có tác động tiêu cực đến công ty tại một thời điểm nhất định.
Giá cổ phiếu thường dao động và đa phần phản ánh các kỳ vọng ngắn hạn của nhà đầu cơ. Khi các nhà đầu cơ bán tháo cổ phiếu bởi triển vọng ngắn hạn yếu kém hoặc các khó khăn cục bộ, đó là khi các nhà đầu tư giá trị bắt đầu mua vào.
Chỉ cần chắc chắn rằng hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra tốt và niềm tin về triển vọng lợi nhuận dài hạn của nhà đầu tư đối với công ty vẫn còn y nguyên, nhà đầu tư giá trị sẽ tiếp tục mua vào. Khi lượng cổ phần mà các nhà đầu tư giá trị mua vào đủ lớn để khiến nguồn cung bán tháo trên thị trường giảm đột ngột về mức rất thấp, giá cổ phiếu sẽ ngừng rơi. Bởi nếu giá còn tiếp tục giảm sút so với giá trị, các nhà đầu tư đích thực sẽ mua vào thêm nữa.
Khi đó, giá cổ phiếu bắt đầu tạo đáy. Đó chính là một nguyên nhân quan trọng tạo nên hiện tượng mà thị trường thường thấy, đó là việc nhà đầu tư giá trị mua vào cổ phiếu ở mức đáy.
Bán khi thị trường hưng phấn
Ngược lại với việc khi bị bán tháo, sẽ có một lúc nào đó các nhà đầu cơ trên thị trường bị hấp dẫn bởi các triển vọng ngắn hạn của công ty, khiến họ đánh giá công ty ở một mức giá cao tương đối so với giá trị thực.
Đó là khi mà các nhà đầu tư giá trị bắt đầu bán ra cổ phiếu của mình, bởi mức giá thị trường đang trả cho cổ phiếu thể hiện triển vọng rất xa của giá trị cổ phiếu.
Nhà đầu tư giá trị bắt đầu bán ra cho tới khi lượng cung cổ phiếu trên thị trường bắt đầu cân bằng với lực cầu. Khi đó, giá cổ phiếu sẽ tạo đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Như vậy, giao dịch của nhà đầu tư giá trị tạo nên đỉnh và đáy của cổ phiếu, chứ không phải các nhà đầu tư này cố gắng dự đoán diễn biến thị trường.
Một điểm đáng chú ý khác nữa, đó là nhà đầu tư giá trị hoàn toàn có thể mua và bán cổ phiếu trong thời gian ngắn, chứ không nhất thiết phải nắm giữ dài hạn. Chỉ cần đảm bảo nguyên tắc mua vào khi giá thấp hơn giá trị, và bán ra khi giá cao hơn giá trị, nhà đầu tư sẽ gặt hái được những thành quả bất ngờ.
Nhà đầu tư thông thái là những người làm chủ được mình trong cuộc chơi mà Ngài Thị Trường là người cầm trịch. Bởi thế, sự tỉnh táo luôn là yếu tố quyết định chiến thắng.