Vì sao cho thuê bất động sản KCN là động lực tăng trưởng doanh thu chính của một số công ty dệt may năm 2022?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản và bất động sản khu công nghiệp. Chuyên gia VNDIRECT kỳ vọng, mảng kinh doanh mới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022-2025.
- 27-02-2022Loạt dự án giao thông ngàn tỷ ở Bà Rịa-Vũng Tàu sắp được khởi công
- 27-02-2022Đà Nẵng gấp rút hoàn thành các sản phẩm phát triển kinh tế đêm
- 27-02-2022Những dự án nào giúp Singapore soán ngôi Hàn Quốc, Nhật Bản về đầu tư FDI vào Việt Nam?
Việt Nam vượt Hàn Quốc, trở thành nước xuất khẩu xơ và sợi lớn thứ 6 trên thế giới
Theo báo cáo ngành dệt may của VNDIRECT, về xuất khẩu vải và may mặc, quý 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có sự phục hồi mạnh mẽ sau 3 tháng bị giãn cách tại khu vực miền Nam.
Giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc trong quý 4/2021 tăng 21,6% so với cùng kỳ lên 9,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vải đạt 758 triệu USD, chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may.
Nguồn: MOIT, VNDIRECT
Đối với xuất khẩu xơ sợi, giá trị xuất khẩu sợi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý 4/2021. Dịch bệnh đã khiến nhu cầu tiêu thụ sợi toàn cầu tăng lên để đáp ứng các đơn đặt hàng trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang.
Ngoài ra, Việt Nam còn tận dụng lợi thế từ việc dịch chuyển đơn hàng sợi từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu sơ và sợi tăng 52,9% so với cùng kỳ lên 1,5 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ và sợi lớn thứ 6 trên thế giới với tổng giá trị xuất khẩu sợi đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2021.
Nguồn: MOIT, VNDIRECT
Theo Tổng Cục Hải Quan (TCHQ), Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm dệt may của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu đạt 15,9 tỷ USD. Năm 2021, xuất khẩu sang các thị trường EU và Trung Quốc đạt 3,7 tỷ USD và 4,4 tỷ USD, tăng lần lượt 23,3% và 238,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm 28,5% so với cùng kỳ, xuống 2,5 tỷ USD vào năm 2021.
Nguồn: TCHQ, VNDIRECT
Năm thành công của ngành dệt may Việt Nam
Theo ước tính, tổng doanh thu quý 4/2021 của các công ty dệt may niêm yết tăng 24,1% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi từ các công ty dệt may phía Nam. Sau khi kết thúc đợt giãn cách, hầu hết các công ty phía Nam đều chạy ở mức 85% - 90% công suất trong quý 4/2021 (so với 50-60% công suất trong Q3/21). Kết quả, LN ròng của cả ngành đã tăng 57,0% so với cùng kỳ trong quý 4/2021 và cao hơn 82,0% so với quý 3/2021.
Năm 2021, tổng doanh thu của các công ty dệt may niêm yết tăng nhẹ 7,6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng năm 2021 tăng 57,4% so với cùng kỳ và cao hơn 6,0% so với 2019 ( thời điểm trước đại dịch).
Ngành dệt may phục hồi theo thị trường Mỹ và EU
Theo Liên đoàn Dệt may châu Âu (Euratex), ngành dệt may EU tiếp tục chứng kiến sự phục hồi sau COVID-19. Cụ thể, giá trị sản lượng dệt may đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối tháng 11/2021.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9% vào năm 2022 và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD. Báo cáo dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022 (43 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ).
Nhu cầu dệt may toàn cầu dự kiến sẽ đạt 821,87 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ CAGR là 6%. Nguồn: Grandviewresearch, VNDIRECT
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến đạt 43 tỷ USD. Nguồn: VITAS, VNDIRECT
Các DN sản xuất sợi hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Với việc trở thành nhà cung cấp dệt may ngoài khu vực lớn thứ sáu của EU vào năm 2021 (chiếm 3% về giá trị), báo cáo kỳ vọng Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ thị trường EU và Mỹ từ năm 2022.
Việt Nam là nhà cung cấp dệt may ngoài khu vực lớn thứ 6 của EU vào năm 2021. Nguồn: Eurosta, VNDIRECT
Báo cáo cho hay, việc tăng giá nguyên liệu đầu vào sẽ gây áp lực lên KQKD của các công ty may mặc trong năm 2022. Giá bông đạt mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 9/2021, phản ánh sự cải thiện dần dần trong triển vọng tiêu dùng toàn cầu.
Theo Trading Economic, giá bông dự kiến sẽ đạt 107,4 USD/pound ( tăng 15% so với cùng kỳ) vào năm 2022 do thu hoạch mùa vụ kém ở Mỹ và Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng bông của Mỹ đạt 17,6 triệu kiện (giảm 3,2% so với cùng kỳ), trong khi khối lượng sản xuất bông của Ấn Độ trong hai vụ 2021-2022 được dự báo sẽ giảm 4% so với cùng kỳ do cây trồng ở các bang sản xuất chính bị thiệt hại do mưa lớn vào mùa thu hoạch.
Như vậy, giá bông cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sử dụng sợi bông cho quá trình sản xuất như MSH, TNG, TCM. Ước tính, biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sẽ giảm 1 điểm % - 1,3 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2022.
Giá bông dự kiến sẽ tăng 15% svck năm 2022 (đơn vị USD/pound). Nguồn: Bloomberg, VNDIRECT
Sợi bông tăng 2,7% tính từ đầu năm 2022 (đơn vị: RMB/tấn). Nguồn: Sunsir, VNDIRECT
Đáng chú ý, báo cáo nhấn mạnh, cho thuê bất động sản KCN sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu chính của một số công ty dệt may trong năm 2022.
Các doanh nghiệp dệt may như GIL, ADS, TCM, TNG đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản (BĐS) và BĐS khu công nghiệp. Chuyên gia VNDIRECT kỳ vọng, mảng kinh doanh mới sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2022-2025.
Nguồn: VNDIRECT, Báo cáo công ty
Cuối cùng, báo cáo kết luận, sự bùng phát biến thể mới tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty dệt may. Ngoài ra, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn đặt hàng ODM (thiết kế sản phẩm gốc) và OBM (sản xuất thương hiệu gốc).