Vì sao cổ phiếu công nghệ Trung Quốc bị bán tháo?
Thời gian gần đây, cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị giới đầu tư bán tháo ồ ạt...
- 15-08-2018Báo Trung Quốc nhận định Olympic Việt Nam đủ sức cạnh tranh HCV, ví Quang Hải với Messi
- 14-08-2018Bí quyết giúp doanh nhân Colin Huang sở hữu công ty trị giá 24 tỷ USD, lọt top những người giàu nhất Trung Quốc chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm
- 04-08-2018Trung Quốc: Hang động băng giá không bao giờ tan chảy dù trong mùa hè nắng nóng
Thời gian gần đây, cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bị giới đầu tư bán tháo ồ ạt, khiến giá trị vốn hóa của các công ty này "bốc hơi" chóng mặt. Đâu là lý do phía sau sự bán tháo này?
Theo hãng tin CNN, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đi ngược chiều với đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ. Trong khi cổ phiếu các công ty công nghệ thuộc chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng hơn 25% từ đầu năm, một chỉ số đo giá cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc giảm 12%.
Thứ nhất, một số nhà phân tích thị trường cho rằng trước đây, nhiều nhà đầu tư đã phớt lờ những cảnh báo cho rằng mức giá cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đã trở nên quá cao so với lợi nhuận mà các công ty này có thể đạt được. Giờ đây, khi nhận thức được điều này, giới đầu tư bán vội cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tuần trước, các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc hứng một đòn mạnh khi "đại gia" Tencent - công ty truyền thông xã hội và trò chơi trực tuyến - khiến giới đầu tư sửng sốt vì lợi nhuận bất ngờ giảm lần đầu tiên sau ít nhất 1 thập kỷ. Theo Tencent, những khó khăn mà công ty gặp phải trong mảng kinh doanh trò chơi tại Trung Quốc đã dẫn tới kết quả đáng thất vọng này.
"Khi lợi nhuận bắt đầu giảm, thay vì tăng mãi, nhà đầu tư không thể tiếp tục chấp nhận mức giá cổ phiếu cao như hiện tại", ôn Mohammed Apabhai, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch thị trường châu Á của Citigroup, nhận định.
Cuối năm ngoái, Tencent đã vượt mạng xã hội Facebook về giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, giá trị vốn hóa của Tencent đã mất khoảng 160 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Baidu, công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng sụt giảm do một cuộc điều chỉnh nhân sự lãnh đạo bất ngờ và những đồn đoán cho rằng Google có thể sắp đưa một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt vào Trung Quốc.
Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và cuộc chiến tranh thương mại giữa nước này với Mỹ cũng gây sức ép lên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Thời gian qua, những thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang và những dữ liệu kinh tế kém tươi sáng của Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán nước này có nhiều phiên giảm mạnh, và các cổ phiếu công nghệ cũng không phải là ngoại lệ.
"Có một số trở ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, và tất cả các công ty niêm yết đều phải chịu ảnh hưởng, cho dù đó là Alibaba hay Tencent" - ông Colin Gillis, Giám đốc nghiên cứu thuộc Chatham Road Partners, nhận định.
Trong xung đột thương mại giữa Bắc Kinh với Washington, chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao của Trung Quốc là một nguồn căng thẳng. Mỹ lo ngại rằng những bước tiến công nghệ nhanh chóng của Trung Quốc sẽ giúp nước này đến một thời điểm nào đó chiếm lĩnh thế thống lĩnh của nền công nghệ Mỹ trên thế giới, nên tìm cách kiềm chế. Bởi vậy, các công ty công nghệ Trung Quốc dễ dàng trở thành nạn nhân trong cuộc chiến thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Không chỉ cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sụt giảm, mà cổ phiếu các công ty công nghệ nước này mới lên sàn cũng bị bán mạnh.
Đầu năm nay, giới phân tích dự báo hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) Xiaomi sẽ huy động được 10 tỷ USD trong cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, cuối cùng, Xiaomi chỉ huy động được chưa đầy một nửa số vốn kỳ vọng. Thậm chí, giá cổ phiếu Xiaomi niêm yết tại thị trường Hồng Kông hiện còn đang thấp hơn cả giá IPO.
Giám đốc điều hành (CEO) Xiaomi đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến các điều kiện thị trường xấu đi cho việc công ty lên sàn.
Vào cuối năm ngoái, giá cổ phiếu công ty sách điện tử Trung Quốc China Literature tăng tới 100% trong ngày đầu giao dịch. Nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu China Literature đã giảm khoảng một nửa, và về ngưỡng thấp hơn 10% so với giá IPO vào tuần trước.
Theo số liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, từ đầu năm đến nay, tổng giá trị tài sản ròng của 8 tỷ phú công nghệ Trung Quốc thuộc danh sách này đã giảm gần 34 tỷ USD, lớn hơn cả tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Latvia.
VnEconomy