Vì sao có tới 100 tấn thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng? Hậu thế mất tới 2.000 năm vẫn chưa tìm ra lời đáp
Cho đến hiện tại, nhiều chuyên gia và nhà khoa học vẫn không thể vào được lăng mộ Tần Thủy Hoàng vì khối lượng lớn thủy ngân ở bên trong.
- 27-12-2021Có một nơi trong Tử Cấm Thành mà ngay cả người khét tiếng như Từ Hy Thái hậu cũng phải tránh xa: Bí ẩn nằm ở người chủ cũ
- 25-12-2021Hubble đã phát hiện ra một con rồng vàng bí ẩn cách chúng ta 4 tỷ năm ánh sáng, trải dài 5 thiên hà!
- 24-12-2021Những dấu chân bí ẩn xuất hiện trong trung tâm thương mại, khách hàng hiếu kỳ còn nhân viên bán hàng lại vô cùng phấn khích
Ai cũng biết Trung Quốc xưa kia có một vị hoàng đế "điên cuồng" ước mơ được bất tử, ông thử mọi cách nhưng đều vô ích. Các thái y của ông đã nỗ lực điều chế tiên dược và luyện đan, nhưng không loại thuốc nào có thể ngăn cản được tác động của dòng chảy thời gian lên cơ thể ông. Ông thậm chí đã cử một vị tướng băng qua các vùng biển phía đông để tìm kiếm một lọ thuốc trường sinh bất tử trong tuyền thuyết. Nhưng vị tướng quân đó không bao giờ quay trở lại, và nhiệm vụ trở nên vô vọng.
Vì vậy, Tần Thủy Hoàng, vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, tại thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc sống vô tận. Ông quyết định sẽ tiếp tục cai trị cơ ngơi của mình từ thế giới bên kia và lăng mộ dưới lòng đất của ông sẽ trở thành một cung điện, với đội quân đất sét khổng lồ của riêng mình.
Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc
Những chiến binh đất nung đó đã nằm ẩn mình suốt hai nghìn năm dưới lớp đất cát, cách khu chôn cất của Hoàng đế ở Núi Li vài dặm về phía đông bắc thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc. Đội quân được những người nông dân đào giếng phát hiện vào năm 1974, và các nhà khảo cổ Trung Quốc đã vô cùng ngạc nhiên khi số lượng tượng đất nung được tìm ra sau đó lên tới ít nhất là 8000. Các bức tượng từng được sơn màu sáng và trang bị ngựa đất sét cùng xe ngựa bằng gỗ.
Các cuộc khai quật sâu hơn đã cho thấy phạm vi của lăng mộ hoàng đế, với các cung điện, chuồng ngựa và sảnh lớn. Trong đó còn có tượng đất sét của các quan lại, người hầu và những con vật bằng đồng có kích thước như thật. Chuyện này đã được nhà sử học Tư Mã Thiên sống tại thời Hán viết vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên. Ông cho biết 700.000 người đã tham gia xây dựng lăng mộ, và với quy mô rộng lớn mà hậu thế đã khai quật được cùng những phần còn là bí ẩn của lăng mộ, rõ ràng ông không hề phóng đại.
Bí ẩn chết người
Người ta hiện vẫn chưa thể khám phá hết các bí ẩn bên trong lăng mộ vì phòng chôn cất chính vẫn bị niêm phong. Nhưng hấp dẫn nhất là một chi tiết được Tư Mã Thiên kể lại: "Hàng trăm con sông đã được tạo nên từ thủy ngân, sông Hoàng Hà, sông Dương Tử và các biển được mô phỏng y như thật".
Vào những năm 1980, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra rằng đất trong ngọn đồi chôn cất phía trên lăng mộ có chứa nồng độ thủy ngân cao hơn nhiều so với những nơi khác. Hiện một số nhà khảo cổ học đang làm việc tại khu vực này tin rằng thi thể của Hoàng đế có thể nằm giữa những con sông kim loại lỏng khổng lồ này.
Lăng mộ của Hoàng đế đầu tiên được bao quanh bởi hàng ngàn chiến binh đất nung, canh giữ cho ông ở thế giới bên kia
Tuy nhiên, nhà khảo cổ học Duẩn Thanh Ba của Đại học Tây Bắc ở Tây An, người dẫn đầu cuộc khai quật lăng mộ từ năm 1998 đến năm 2008, cho biết: "Hiện tại chúng tôi không có kế hoạch mở các phòng". Lý do được đưa ra là vì các nhà khảo cổ không muốn phá vỡ cấu trúc ngầm bên trong lăng mộ. Nhiều cạm bẫy cũng có thể đang chờ đón những người đầu tiên bước vào sau hơn 2.000 năm.
Bí mật của thủy ngân
Nghiên cứu chi tiết đầu tiên về mức thủy ngân trong lăng mộ được tiến hành vào đầu những năm 1980, các nhà nghiên cứu từ Viện thăm dò địa vật lý và địa hóa của Viện quan trắc địa môi trường Trung Quốc đã lấy mẫu phân tích tại trung tâm đồi. Kết quả phân tích cho thấy ước tính căn phòng chôn cất hoàng đế Tần Thủy Hoàng có thể chứa tối đa khoảng 100 tấn thủy ngân.
Từ các mẫu trong nghiên cứu trước đó, người ta có thể xây dựng một bản đồ sơ bộ về cách phân bố lượng thủy ngân. Ông Duẩn cho biết: "Góc tây bắc của ngôi mộ không có thủy ngân, trong khi đó, mức thủy ngân cao nhất ở phía đông bắc và cao thứ hai ở phía nam". Có một sự trùng hợp là sự phân bố này trùng khớp với vị trí của hai con sông lớn của Trung Quốc - Hoàng Hà và Dương Tử - từ kinh đô Hàm Dương của nhà Tần, gần với thành phố Tây An thời hiện đại. Nói cách khác, lăng mộ là một bản sao của lãnh thổ thuộc về vua Tần và được bao phủ bởi thủy ngân.
Mức thủy ngân trên ngọn đồi chôn vua Tần (trái) giống với bản đồ thế kỷ 11 (phải)
Tiên dược của sự bất tử
Thủy ngân cũng có những công dụng khác, đặc biệt là trong thuật giả kim, có nguồn gốc lâu đời nhất ở Trung Quốc. Ở phương Tây, nghệ thuật này thường gắn liền với những nỗ lực mạ vàng từ các kim loại khác, và một số nhà giả kim thuật Trung Quốc cũng đã thử làm điều đó. Vào năm 144 trước Công nguyên, hoàng đế Hán Cảnh Đế thời nhà Hán ra lệnh xử tử bất cứ ai làm vàng giả. Thuật giả kim của Trung Quốc hướng nhiều hơn đến việc sử dụng y học, đặc biệt là trong điều chế tiên dược trường sinh bất tử.
Và có lẽ thủy ngân (trong tiếng Trung Quốc là "âm dương", nghĩa đen là "bạc nước") là chìa khóa cho những điều này. Trên thực tế, vào thời Trung Quốc cổ đại, nguồn khai thác thứ kim loại lỏng có độc tính chết người này chủ yếu tới từ những khoáng vật cinnabar (HgS) và thường được gọi là chu sa. Truyền thuyết Trung Quốc kể về một người tên là Hoàng An đã sống ít nhất 10.000 năm bằng cách ăn thủy ngân sulfua (khoáng chất chu sa). Tần Hoàng đế cũng đã uống rượu và mật ong chứa đầy chu sa vì nghĩ rằng thứ này sẽ kéo dài tuổi thọ của mình. Một số người suy đoán có lẽ ông chết đột ngột vì sử dụng những loại "thuốc" này.
Trong thời Chiến quốc, thủy ngân là một thành phần phổ biến trong các loại thuốc điều trị các vết loét bị nhiễm trùng, ghẻ, nấm ngoài da và thậm chí là thuốc an thần. Bởi vì nó có màu đỏ tươi, chu sa cũng được sử dụng cho nghệ thuật và trang trí ở Trung Quốc từ khoảng thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.
Thu được thủy ngân
Xuyên suốt thời cổ đại chu sa là nguồn gốc của tất cả thủy ngân. Trung Quốc sở hữu rất nhiều khoáng sản này, đặc biệt là ở phía tây. Chỉ riêng Thiểm Tây đã chứa gần 1/5 trữ lượng chu sa trong cả nước và có những mỏ rất cổ ở thành phố Tuần Dương ở phía nam của tỉnh. Đây chính là nguồn cung cấp thủy ngân cho lăng mộ của vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Để chiết xuất thủy ngân từ chu sa, người ta chỉ cần nung trong không khí, chuyển lưu huỳnh thành sulfur dioxide trong khi thủy ngân được giải phóng dưới dạng hơi và sau đó có thể ngưng tụ lại. Vì thủy ngân sôi ở 357°C, quá trình này cần nhiệt độ cao trong các lò nung thời Tần. Tất nhiên, những người làm theo phương pháp này đều có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân và tổn hại sức khỏe nghiêm trọng.
Mặc dù ông Trương chứng minh "người dân nhà Tần đã có một số kiến thức hóa học cơ bản", nhưng ông Duẩn lập luận rằng thuật giả kim của Trung Quốc vẫn còn sơ khai trong thời kỳ đó. Đặc biệt, không có bằng chứng xác thực nào về việc ngâm xác người chết trong thủy ngân có thể ngăn chặn sự phân hủy, niềm tin này rất phổ biến vào thời kỳ đó. Nhưng mọi người vẫn không rõ tại sao thủy ngân lại được đặt ở đó. Có người suy đoán người xưa sử dụng độc tính để ngăn chặn những kẻ trộm mộ. Tuy nhiên, giả thiết này đã bị gạt bỏ bởi mãi đến thời Hán, con người mới nhận ra sự nguy hiểm của khói thủy ngân. Vì vậy, với khoảng 100 tấn thủy ngân trong phòng chôn cất, thì đó không phải là chất bảo quản hoặc biện pháp chống trộm mộ.
"Chúng tôi có thể không bao giờ tìm hiểu được điều đó. Hiện tại, công việc khảo cổ của chúng tôi đang tập trung vào bố cục cơ bản của lăng mộ", ông Duẩn nói. Bởi vì nếu nước hoặc không khí lọt vào có thể làm hỏng bất cứ thứ gì nằm bên trong, ngay cả việc đưa robot vào cũng bị loại trừ. Ông Trương cho biết: "Nếu cố mở căn phòng, ngay cả khi sử dụng robot hoặc khoan, sự cân bằng sẽ bị phá vỡ và những vật thể bên trong sẽ bị phá hủy nhanh chóng".
Vì vậy, nếu muốn khám phá sâu hơn, bắt buộc phải có các kỹ thuật khoa học tốt hơn hiện tại. Ngô Vĩnh Kì, giám đốc Bảo tàng Lăng Tần Thủy Hoàng, cho biết: "Tôi mơ về một ngày công nghệ sẽ làm sáng tỏ tất cả những gì được chôn cất ở đó, mà không làm ảnh hưởng đến vị hoàng đế đang ngủ yên và đế chế ngầm 2.000 năm tuổi của ông. Có thể việc bảo tồn di sản chưa được biết đến này sẽ đảm bảo cho vị Hoàng đế đầu tiên một loại trường sinh bất tử".
Doanh Nghiệp Tiếp Thị