MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật dự kiến lỗ gần 100 tỷ?

Vì sao CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật dự kiến lỗ gần 100 tỷ?

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật(HOSE – Mã: JVC) cho biết: JVC dự kiến năm tài chính 2020 (giai đoạn từ 01/4/2020 đến 31/3/2021) sẽ lỗ khoảng 100 tỷ đồng.

Đây là kết quả kinh doanh "bết bát" nhất của JVC trong những năm gần đây. Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã thông qua kế hoạch doanh thu 520 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng hoạt động từ ngày 01/4/2020 đến ngày 31/12/2020, doanh thu chỉ đạt khoảng 310 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm và sụt giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính doanh thu cả năm tài chính 2020 cũng chỉ đạt khoảng 390 tỷ đồng, tương đương 76% kế hoạch và giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.

Vì sao CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật dự kiến lỗ gần 100 tỷ? - Ảnh 1.

JVC sở hữu số lượng xe khám lưu động lớn nhất Việt Nam. Với 20 xe khám được thiết kế chuyên dụng, trang bị máy móc hiện đại được nhập khẩu từ các thương hiệu uy tín hàng đầu Nhật Bản

Với tình hình thực hiện doanh thu như trên, kết quả kinh doanh 9 tháng của JVC lỗ khoảng 50 tỷ đồng và ước tính cả năm sẽ lỗ xấp xỉ 100 tỷ đồng. Trong vài tháng trở lại đây, hoạt động của JVC có nhiều xáo trộn khi công ty đã tiến hành thay đổi toàn bộ HĐQT.

Tại Đại hội đồng Cổ đông Bất thường năm 2020, HĐQT CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật đã bầu ông Nguyễn Huy Tuấn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty kể từ 15/12/2020.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến JVC lỗ nặng ngay sau khi tiếp quản, ông Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch HĐQT JVC cho biết: Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan là năm 2020 dịch bệnh COVID- 19 bùng phát các bệnh viện và cơ sở y tế y tế giảm dùng vật tư tiêu hao do một số bệnh viện bị phong toả và người dân cũng hạn chế tới bệnh viện, công tác bán hàng bị gián đoạn khoảng 2 tháng; đồng thời nguồn vốn đầu tư trang thiết bị y tế sẽ được chuyển mục đích ưu tiên mua sắm các trang thiết bị, vật tư bảo hộ phòng chống dịch như máy thở, máy xét nghiệm, khẩu trang, nước rửa tay. Bên cạnh đó, sau một số vụ lùm xùm liên quan đến mua sắm thiết bị y tế gần đây, mảng kinh doanh thiết bị y tế của công ty bị chững lại. Chủ quan là sau khi tiếp quản JVC chúng tôi đã tiến hành rà soát và nhận thấy có nhiều chi phí chưa được hạch toán đầy đủ theo các nghĩa vụ đã phát sinh. Đồng thời, công ty cũng phải tăng trích lập dự phòng đối với phải thu, hàng tồn kho để đảm bảo phản ánh đúng giá trị có thể thu hồi trong tương lai.

Vì sao CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật dự kiến lỗ gần 100 tỷ? - Ảnh 2.

JVC là nhà phân phối thiết bị y tế hàng đầu Việt Nam

Mặc dù kết quả kinh doanh không khả quan, tuy nhiên ông Nguyễn Huy Tuấn cho rằng: Triển vọng phát triển trong dài hạn của JVC rất lớn. Y tế là lĩnh vực cần đầu tư dài hạn, tạo ra giá trị cho xã hội và hiệu quả đầu tư sẽ đến từ những giá trị đóng góp được xã hội ghi nhận. Nhóm cổ đông mới là những người có tâm huyết và hiểu biết sâu sắc ngành y tế, với mong muốn phát triển JVC để góp một phần nhỏ trong việc xây dựng hậ tầng y tế Việt Nam đáp ứng với nhu cầu. JVC có nền tảng hệ thống cơ bản, có mối quan hệ nhà phân phối tốt, sẽ phát huy tối đa lợi thế sẵn có của mình và nghiên cứu mở rộng các mảng kinh doanh mới liên quan đến y tế do tiềm năng nhu cầu của người dân rất cao.

Vì sao CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật dự kiến lỗ gần 100 tỷ? - Ảnh 3.

JVC hướng tới mục tiêu trở thành công ty đầu tư cung cấp giải pháp toàn diện về y tế hàng đầu Việt Nam

Về định hướng phát triển sắp tới, ông Nguyễn Huy Tuấn cho biết: JVC sẽ chuyển mình từ công ty thương mại thành công ty cung ứng các giải pháp toàn diện về y tế. Qua đó, góp phần phát triển hạ tầng y tế cho người dân Việt Nam, với tiêu chuẩn Nhật và mức giá hợp lý, giúp người dân Việt Nam dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên