Vì sao Đan Mạch chịu sức ép giảm thuế lớn nhất thế giới?
Mặc dù Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng xét về thuế má thì Đan Mạch mới là quốc gia có mức thuế cao hơn bất kỳ thị trường nào. Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mỗi người dân Đan Mạch phải chịu 36% mức thuế/GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân 25,5% của các thành viên trong khối.
Trớ trêu thay tỷ lệ thất nghiệp của Đan Mạch lại đang hướng xuống mức 0% và hệ quả là các doanh nghiệp tại đây đang phải đối mặt tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
Để đối phó với tình hình trên, chính phủ Đan Mạch đã buộc phải giảm thuế nhằm thúc đẩy người dân tham gia thị trường lao động cũng như thu hút nguồn nhân lực nước ngoài. Trong quý II vừa qua, Đan Mạch chỉ tăng trưởng 0,5%.
Cụ thể, chính phủ dự định sẽ giảm thuế cho những lao động có thu nhập thấp và cắt giảm các khoản hưu trí nhằm khuyến khích người dân làm việc thay vì ở nhà hưởng các trợ cấp xã hội. Chính phủ cũng dự kiến cắt các khoản phí đăng ký xe, qua đó giảm khoảng 2.430 USD cho các chủ sở hữu xe.
Tỷ lệ thuế theo %GDP của các nước năm 2014. Đan Mạch đứng đầu.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng này ở Đan Mạch diễn ra là mức thuế cao nhưng phúc lợi xã hội lại cực tốt. Tất cả công dân đều được miễn phí học đại học cũng như hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, các chương trình an sinh xã hội cũng được xây dựng vô cùng hiệu quả.
Điều này dẫn đến tình trạng người lao động phải cật lực làm việc đóng thuế trong khi những tầng lớp khác lại được hưởng dịch vụ công chất lượng, qua đó không thúc đẩy một lượng lớn lao động tiềm năng như phụ nữ, người già và thậm chí là sinh viên cho thị trường.
Với chính sách mới này, chính phủ Đan Mạch kỳ vọng sẽ có nhiều lao động tiềm năng tìm việc làm hơn nữa.
“Người lao động cần có nhiều lợi ích hơn. Các công dân Đan Mạch cần trả thuế ít hơn”, Bộ trưởng tài chính nước này cho hay.
Thời Đại