MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao dễ mắc bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng gay gắt, mưa bất chợt: Bác sĩ BV Bạch Mai chỉ ra sai lầm gia đình nào cũng mắc

04-06-2020 - 11:24 AM | Sống

Thói quen sử dụng quạt, điều hòa không đúng dễ khiến bạn và cả gia đình mắc các bệnh hô hấp trong mùa hè.

Trong thời gian này, thời tiết mùa hè nắng nóng oi bức vẫn tiếp diễn ở khắp cả nước. Ở miền Bắc, trời nắng gay gắt cả ngày, chiều tối lại mưa rào bất chợt khiến nhiều người dễ ốm.

Thời tiết nắng nóng cũng khiến các yếu tố dễ gây bệnh gia tăng, ví dụ như:

- Gia tăng tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân tim mạch hô hấp, đặc biệt ở người cao tuổi. Đợt nắng nóng mùa hè 2003 tại châu Âu ghi nhận hơn 70.000 trường hợp tử vong do các bệnh tim mạch, hô hấp liên quan tới nắng nóng quá mức.

- Nắng nóng làm gia tăng nồng độ ozone và các chất ô nhiễm khác trong không khí, tăng mắc các bệnh tim mạch, hô hấp.

- Gia tăng phấn hoa và các dị nguyên hô hấp dẫn tới tăng tỷ lệ các bệnh viêm mũi dị ứng, đợt cấp hen phế quản.

- Thêm vào đó càng nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A H5N1… phát triển.

Bệnh viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus nCovid-19, SARS, virus cúm A, H1N1… Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến. Chắc hẳn đa số các bạn đều đang gặp vấn đề về sức khỏe như sổ mũi, ho, hắt hơi…

Bác sĩ Lê Thu Trang, Trung Tâm Hô Hấp - Bệnh Viện Bạch Mai đã có bài viết chia sẻ về các bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng trên trang cá nhân. Bác sĩ nhắc nhở mọi người nên chú ý chăm sóc sức khỏe hơn trong thời điểm thời tiết khó chịu này, phòng bệnh cho tốt và nhớ đi khám bệnh sớm để bệnh không trở nặng và có biến chứng.

Sai lầm khi sử dụng quạt, điều hòa của các gia đình dễ dẫn đến bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng

Vì sao dễ mắc bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng gay gắt, mưa bất chợt: Bác sĩ BV Bạch Mai chỉ ra sai lầm gia đình nào cũng mắc - Ảnh 1.

Theo bác sĩ Trang, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh hô hấp mùa nắng nóng là do các gia đình thường mở quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp dẫn đến khô vùng mũi họng, làm khô các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em.

Ngoài ra, với nhân viên văn phòng, do ngồi lâu trong môi trường điều hòa, khi ra ngoài nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang.

Đặc biệt, để giảm bớt cái nóng, mọi người thích uống nước đá, ăn kem và tắm nước lạnh nhiều cũng dễ dẫn đến bệnh về đường hô hấp.

Bác sĩ Trang cũng nhấn mạnh, khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể với sự thay đổi nhiệt độ ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm thường kém hơn nên cần phải phòng chống tác hại nắng nóng tốt hơn.

Các bệnh hô hấp thường gặp trong mùa nắng nóng

- Viêm mũi họng

- Viêm xoang cấp

- Viêm phế quản cấp

- Viêm phổi do các loại vi khuẩn, virus

- Đợt cấp hen phế quản

- Đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Các triệu chứng bệnh thường gặp

Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện ho, khạc đờm, đau ngực hoặc khó thở, tùy theo từng bệnh lý cụ thể, mà các triệu chứng có thể có những biểu hiện, diễn biến khác nhau, chẳng hạn, bệnh nhân viêm phế quản cấp, viêm phổi thường có các triệu chứng diễn biến cấp tính, trong thời gian ngắn, với các triệu chứng như: sốt, ho, khạc đờm mủ…

Hen phế quản thường hay gặp ở người trẻ tuổi, các biểu hiện ho, khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc dị nguyên hoặc thay đổi thời tiết, trong cơn khó thở thường nghe thấy tiếng cò cử, tuy nhiên, ngoài cơn bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Các bệnh nhân giãn phế quản thường có ho, khó thở xuất hiện nhiều năm, tuy nhiên, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm nhiều, có thể có từng đợt ho máu…

Khi có dấu hiệu của bệnh lý này, bạn nên đi khám tìm rõ nguyên nhân để có phương pháp điều trị đúng.

Vì sao dễ mắc bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng gay gắt, mưa bất chợt: Bác sĩ BV Bạch Mai chỉ ra sai lầm gia đình nào cũng mắc - Ảnh 2.

Phòng tránh bệnh hô hấp trong mùa nắng nóng

- Không hút thuốc lá, đặc biệt là ở nơi công cộng.

- Tránh tiếp xúc với chất kích thích như khói thuốc lá, mang khẩu trang khi ra trường và tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất có hơi mạnh.

- Ăn uống đầy đủ, đặc biệt là rau xanh nhằm cung cấp đủ vitamin giúp cơ thể chống lại bệnh tật.

- Uống nước đủ là một cách bù trừ cho tình trạng mất nước qua đường hô hấp, qua da vào môi trường lạnh và khô. Nên dùng những loại trái cây có tính giải nhiệt như nước cam, nước chanh..., và không nên lạm dụng nước đá vì sẽ gây lạnh đột ngột ở vùng họng gây bệnh.

- Tiêm phòng vắc xin cúm, phế cầu giúp tăng sức đề kháng chung của cơ thể chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.

- Đi khám chuyên khoa hô hấp khi thấy các dấu hiệu bất thường để điều trị đúng và kịp thời và tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.

Đặc biệt, bác sĩ Trang đưa ra những lưu ý quan trọng khi sử dụng quạt, điều hòa trong mùa hè để phòng bệnh:

- Không nên để quạt thổi vào một vị trí cố định trên người trẻ.

- Nhiệt độ máy lạnh nên để từ 24-26 độ hoặc thấp hơn nhiệt độ bên ngoài khoảng 8 độ C.

- Khi đang đi ngoài đường nắng nóng không nên vào ngay phòng máy lạnh hoặc ngồi quạt mà cần phải lau mồ hôi trước, tránh nhiễm lạnh đột ngột.

- Các gia đình cũng nên thường xuyên mở cửa phòng, làm vệ sinh phòng vì nếu sử dụng máy lạnh mà đóng cửa cả ngày thì mầm bệnh có thể phát triển.

Thiên An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên