MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao doanh nghiệp BĐS thành lập ồ ạt, giải thể đồng loạt?

05-02-2020 - 10:45 AM | Bất động sản

Riêng năm 2019 cả nước ghi nhận gần 700 doanh nghiệp dù mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động.

Theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.

Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Theo ghi nhận, có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ ra nhập thị trường chưa lâu đã phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động.

Vì sao doanh nghiệp BĐS thành lập ồ ạt, giải thể đồng loạt? - Ảnh 1.

Tắc thủ tục khiến nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó. Ảnh minh họa

Chia sẻ về câu chuyện này, ở góc độ cá nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, hàng năm có hàng nghìn doanh nghiệp mới ra đời nhưng cũng xấp xỉ con số đó dừng hoạt động hoặc phá sản. Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp có thâm niên 30 năm trở lên, các doanh nghiệp lớn thường nằm ở khoảng 20-25 năm thành lập, còn lại đại đa số doanh nghiệp có thâm niên dưới 10 năm. Một con số công bố gần đây đáng giật mình là chỉ có 40% các doanh nghiệp làm ăn có lãi và nộp thuế. 60% doanh nghiệp nằm trong tình trạng tài chính bấp bênh và hoạt động không hiệu quả.

Con số trên cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp bất ổn và không bền vững. Có những giai đoạn tăng trưởng nóng chúng ta chứng kiến lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh chóng. Riêng thời điểm nóng sốt của thị trường BĐS thì chứng kiến nhà nhà làm BĐS, nhưng đến thời điểm thị trường thoái trào thì nhà nhà lặng lẽ rút lui, đóng cửa dừng hoạt động.

“Dễ dàng nhận thấy là doanh nghiệp ra đời chiếm tỉ trọng không nhỏ là tìm kiếm cơ hội và lợi nhuận trong ngắn hạn, mà không được đầu tư một chiến lược phát triển trong dài hạn và tập trung đầu tư vào giá trị sản phẩm”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo một số ý kiến, việc nhiều doanh nghiệp ra đi cũng là tín hiệu cho thấy thị trường BĐS đang sàng lọc khá rõ nét. Hầu hết các doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm vẫn trụ vững trên thị trường ở giai đoạn này.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng của thị trường. Bởi khi thị trường có sự sàng lọc, các cơ quan nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải tự chấn chỉnh những điểm chưa tốt, chú trọng phát triển những dự án chất lượng hơn, có tính khả thi hơn và góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo vị Luật sự này, khi thị trường có sự sàng lọc bớt thì các hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ phải minh bạch hơn, đổi lại cơ hội để phát triển của các doanh nghiệp cũng cao hơn, thị trường ổn định hơn và các dự án cũng sẽ chất lượng hơn. Đây là một điểm lợi lớn cho khách hàng.

Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Vietnam cũng từng nhận định, thị trường ở giai đoạn này đang sàng lọc khá rõ nét, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng năng lực và sẽ là tiền đề cho các năm tiếp theo phát triển. Những doanh nghiệp tập trung mạnh vào giá trị sản phẩm sẽ vẫn trụ vững trên thị trường vốn cạnh tranh khốc liệt.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên