Vì sao gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư, trị giá gần 14 tỷ đồng bị tiêu huỷ
Gần 20.000 viên thuốc tài trợ đặc trị chữa bệnh ung thư có giá trị gần 14 tỷ đồng tồn kho vì hết hạn sử dụng trong khi người bệnh không có thuốc để chữa.
- 05-04-2017Nhiều sai phạm trong kinh doanh thuốc tân dược
- 22-03-2017An Giang tiêu hủy lượng thuốc lá "khủng" nhập lậu
- 15-03-2017Sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc để giảm giá thuốc
Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, qua kiểm tra việc xuất sử dụng và quyết toán thuốc viện trợ tại khoa Dược, đến ngày 31/12/2015, kho thuốc của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM còn tồn kho 19.997 viên Tasigna 200mg thuốc đặc trị ung thư, đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015 với tổng trị giá là 13.998.639.889 đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên- tư liệu thanh tra). Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án bằng thuốc điều trị bệnh Bạch cầu mãn dòng tuỷ (CML).
Được biết, theo chương trình, 3 bên gồm BV Truyền máu và huyết học TP, Tổ chức The Max Foundation-Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG-Thuỵ Sỹ lập biên bản ghi nhớ Chương trình hỗ trợ bệnh nhân Việt Nam dùng thuốc theo thoả thuận tài trợ.
Theo giải trình của bệnh viện, ngày 15/7/2013, bệnh viện nhận được thư hiến tặng thuốc Tasigna; ngày 27/8/2013 bệnh viện có văn bản gửi Công ty Novartis Việt Nam về việc dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014.
Ngày 28/11/2013, bệnh viện có văn bản gửi Cục quản lý dược xin được tiếp nhận số thuốc viện trợ trên; ngày 27/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý dược ban hành giấy phép lưu hành sản phẩm cho lô hàng thuốc trên, hạn dùng 24 tháng.
Ngày 30/12/2013, bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện được thực hiện chương trình thuốc Tasigna (ViNaToa). Ngày 10/3/2014, Sở Y tế có văn bản gửi UBND TP và Liên hiện các tổ chức hữu nghị TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện được tiếp nhận lô hàng viện trợ.
Ngày 24/6/2014, UBND TP có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna 200mg viên nang cứng, hạn dùng đến tháng 5/2015. Ngày 14/7/2014, Cục quản lý dược có văn bản đồng ý để bệnh viện được tiếp nhận lô hàng trên.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hải quan TP.HCM không cho bệnh viện tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ do hạn dùng còn lại kể từ ngày nhập cảng Việt Nam không được dưới 12 tháng (Theo Thông tư số 47/2010/TT-BYT). Sau đó, bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM đã có tờ trình và văn bản xin Hải quan TP.HCM xem xét, hỗ trợ giải quyết. Ngày 13/8/2014, bệnh viện nhập kho lô thuốc trên, đến thời điểm này, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng.
Như vậy, tính từ khi bệnh viện nhận được thư hiến tặng thuốc cho đến khi thuốc nhập kho bệnh viện mất đến 13 tháng. Thanh tra TP cho biết, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ kéo dài từ tháng 11/2013 đến tháng 8/2014, hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn 10 tháng dẫn đến bệnh viện còn tồn 19.997 viên/tổng số 34.608 viên thuốc không sử dụng hết phải hủy bỏ gây lãng phí số thuốc có giá trị lớn (tổng giá trị 13.998.639.889 đồng).
Việc Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị Hải quan TP.HCM xem xét, hỗ trợ giải quyết cho bệnh viện được tiếp nhận lô thuốc viện trợ là chưa đúng quy định của Bộ Y tế.
Tháng 8/2015, Sở Y tế có văn bản đồng ý cho bệnh viện tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna, tuy nhiên đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2016), bệnh viện vẫn tồn kho số thuốc này chưa tiêu hủy.
Gần 20 ngàn viên thuốc có giá trị gần 14 tỷ đồng hết hạn sử dụng là thông tin đau xót đối với bệnh nhân bị bệnh Bạch cầu tủy mạn, bởi họ phải dùng 3-4 viên/ngày, mỗi viên thuốc có giá hơn 700.000 đồng. Nếu không nằm trong chương trình miễn phí hoặc không có BHYT chi trả, bệnh nhân sẽ phải trả tiền thuốc từ 2-3 triệu/ngày. Với người bệnh ung thư, buộc phải tuân thủ điều trị thì thuốc với họ còn quý hơn vàng.
Từ những kết quả trên, Thanh tra TP.HCM đề nghị Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên, đồng thời tiến hành rà soát, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng với các khoản tài trợ, viện trợ bằng tiền, bằng hiện vật còn kết dư hoặc không có nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện công và trong toàn ngành y tế trong việc tiếp nhận, xử lý hàng viện trợ. Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót trên.
Infonet