MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao giá nhà cao gấp hơn 20 lần thu nhập nhưng thống kê nói gần 90% hộ gia đình có nhà riêng?

Vì sao giá nhà cao gấp hơn 20 lần thu nhập nhưng thống kê nói gần 90% hộ gia đình có nhà riêng?

Theo thống kê, ở Bình Dương, cứ hai gia đình thì có một gia đình phải đi thuê nhà.

Giá nhà Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập...

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng giá bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người dân trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia trên thế giới.

Trong khi đó, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính đánh giá cũng đồng tình rằng giá của thị trường bất động sản bây giờ đang quá cao. Nếu như giá bình quân của BĐS tại Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập bình quân của người lao động một năm thì ở các nước phát triển chỉ gấp từ 6-7 lần so với mức thu nhập bình quân của người lao động.

Theo Numbeo.com (chuyên trang khảo sát thống kê chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới), cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có tỷ lệ giá nhà trên thu nhập bình quân đầu người khá cao, lần lượt đứng thứ 12 và 44 trên bảng xếp hạng thành phố.

... nhưng tỷ lệ sở hữu nhà trên cả nước lại lên tới 88,1%?

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 88,1% hộ gia đình sở hữu nhà riêng, 11,4% hộ dân cư phải đi thuê mượn của nhà nước, cá nhân hoặc tư nhân, 0,3% hộ dân cư ở nhà tập thể.

Tuy nhiên, con số 88,1% này có thể chưa hoàn toàn phản ánh được thực trạng thiếu nhà ở trong thực tế. Bởi lẽ, rất nhiều người thuộc hộ có nhà trong quê, nhưng đã di cư lên thành phố và phải đi thuê nhà.

Ở thành thị, tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng thấp hơn nhiều so với nông thông, với chỉ 77,9%, trong khi tỷ lệ này của khu vực nông thôn là 93,6%. Tỷ lệ hộ đi thuê nhà ở nông thôn rất thấp, chỉ đạt 6,1%. Trong khi đó, tỷ lệ đi thuê nhà ở thành thị đạt tới 21,4%, tức là cứ 5 hộ gia đình ở thành phố thì có hơn 1 hộ phải đi thuê nhà.

Xét theo từng vùng kinh tế - xã hội, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ dân cư sở hữu nhà riêng cao nhất cả nước với 95,9%, cao gấp 1,4 lần so với vùng có tỷ lệ thấp nhất là Đông Nam Bộ. Trong khi đó, vùng có tỷ lệ hộ dân phải đi thuê mượn nhà cao nhất là Đông Nam Bộ với 30,4%. Con số này phù hợp với thực tế rằng, vùng Đông Nam Bộ thu hút rất nhiều lao động di cư từ các vùng khác.

Sơn La là tỉnh có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà riêng cao nhất cả nước với 98,5%, cao gấp hơn 2 lần địa phương có tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất là Bình Dương. Đối với tỷ lệ hộ đi thuê mượn nhà của nhà nước, cá nhân hay tư nhân, Sơn La cũng là tỉnh có tỷ lệ thấp nhất với chỉ 1,3%, trong khi Bình Dương là địa phương có tỷ lệ cao nhất, lên đến 55,8%.

Tình trạng chung là trên thống kê, các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp thì tỷ lệ sở hữu nhà lại cao, và ngược lại.

Điện Biên và Sơn La có mức TNBQ đầu người thấp nhất cả nước với chỉ 1,7 triệu đồng/tháng nhưng tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng của 2 địa phương này khá cao, lần lượt là 96,8% và 98,5%. Tỷ lệ hộ phải đi thuê mượn nhà ở 2 địa phương này lần lượt là 2,3% và 1,3%.

Ngược lại, ở các tỉnh thành có TNBQ đầu người cao hơn như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội, tỷ lệ hộ sở hữu khá thấp. TP. Hồ Chí Minh có TNBQ đầu người đạt hơn 6,5 triệu đồng/tháng nhưng tỷ lệ hộ sở hữu nhà riêng tại thành phố này chỉ đạt gần 67% và tỷ lệ hộ phải đi thuê mượn nhà của nhà nước hoặc tư nhân đạt 32,4%.

Nhã Mi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên