Vì sao giải đua xe địa hình đối kháng KOK 2018 sẽ là sân chơi đầy kịch tính cho người đam mê tốc độ Việt Nam?
Năm 2018, lần đầu tiên một giải đua xe địa hình đối kháng được tổ chức tại Việt Nam. Giải Knock Out the King (KOK) sẽ được khai mạc từ ngày 24/3, là sân chơi quy tụ cả các thành viên đam mê xe và tốc độ trong nước và nước ngoài.
- 15-03-2018Khám phá giải đua xe địa hình xuyên sa mạc khốc liệt nhất hành tinh Dakar Rally
- 14-03-2018Vì sao tiền vệ U23 Quang Hải và Hoa hậu Ngọc Hân tham gia giải đua xe địa hình Việt Nam?
- 12-03-2018"Người hùng của U23" Quang Hải tham gia giải đua xe địa hình đối kháng chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam
KOK là giải đua xe địa hình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng thể thức đối kháng trực tiếp. Trong mùa giải này, cuộc đua sẽ dành cho 30 vận động viên, gồm cả những tay đua Việt Nam và trong khu vực ASEAN.
Trước đây, ở Việt Nam đã có giải Đua xe địa hình Việt Nam VOC. Ban đầu, VOC là một giải thi đấu tự phát mang tên Vô Lăng Vàng do một nhóm thành viên chơi offroad tổ chức lần đầu năm 2008 và được Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch - Tổng cục Thể Dục Thể Thao cấp phép và công nhận thuộc hệ thống thể thao giải trí của Việt Nam.
Đây là năm đầu tiên giải đua xe địa hình theo thể thức đối kháng Knock out the King được tổ chức tại Việt Nam. Đúng như tên gọi, giải đua có tính chất "knock out", người chơi có thể giành vinh quang hoặc hạ đo ván đối thủ chỉ trong một trận đấu. Đây là yếu tố then chốt giúp đẩy cao kịch tính và tốc độ của giải.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, ban tổ chức giải KOK 2018: "So với VOC hay bất kể giải nào khác hiện tại ở Việt Nam, KOK hoàn toàn khác biệt. Các giải khác là thi đấu vượt địa hình tốc độ chậm và mỗi giải có nhiều bài thi ngắn khác nhau với mỗi lượt chạy từ 2 đến 3 phút. KOK là định dạng đua xe đường ngắn (short course racing) có chiều dài dưới 2km và phải chạy nhiều vòng/lượt trên đường đua hỗn hợp, có tốc độ, có chướng ngại vật - một đường được phun nước, gọi là đường Ướt; một đường Khô với dốc cao đường đà ngắn. Ngoài ra, ở các giải khác là các VĐV chạy lần lượt từng người, KOK là đường chạy song song, hai người cùng một lúc, thắng thua sẽ biết ngay".
Sự phát triển của các môn thể thao tốc độ ở Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai. Giải đua KOK mới chỉ đặt nền mòng cho đua xe địa hình tốc độ, sẽ còn rất nhiều loại hình thể thao tốc độ khác nữa như đua đường trường, đua trong trường đua, drift… Nhất là khi người Việt trẻ không còn xem ô tô là một loại tài sản nữa.
Với mong muốn có một giải đua gần thực tế và có tính ứng dụng cao, ông Hải đã cùng với nhóm của mình thiết kế tổ chức giải KOK như một định dạng đua kết hợp những yếu tố hấp dẫn của hai thể loại là đua rally (xe gầm thấp, đua đường trường, mặt đường hỗn hợp có thể là đất, đá dăm…) và đua địa hình tốc độ cao (xe gầm cao).
Một phần đường đua được thiết kế cho giải KOK 2018.
KOK 2018 sẽ là một giải quốc tế chứ không phải là giải off-road quốc nội khi yếu tố nước ngoài xuất hiện rất hiếm hoi. Người chơi Việt Nam sẽ có cơ hội so tài với nhiều tay đua quốc tế. Từ "King"ở đây có thể là người Việt Nam hoặc đến người nước ngoài. Tuy nhiên, do là giải mới nên ban tổ chức mới chỉ mời các đội Lào và Thái Lan, vì vậy giải đấu chủ yếu vẫn là người Việt.
"Nói về đua xe, các tay đua Việt Nam chỉ có lợi thế là chơi trên sân nhà do tần suất thi đấu ở Việt Nam rất thấp, một năm chạy được 1, 2 giải, nên rất ít kinh nghiệm thi đấu. Trong khi đó, ở Malaysia, Indonesia, Thái Lan hầu như tháng nào họ cũng có vài giải đua", ông Hải nhận định.
Ông Hải và ban tổ chức hy vọng, giải đua KOK bước đầu sẽ tạo dựng được một sân chơi để các tay đua Việt Nam có thể mài dũa kinh nghiệm và trong tương lai đây sẽ là nơi các tay đua Việt Nam được cọ xát với các tay đua tầm cỡ quốc tế chứ không chỉ quanh khu vực ASEAN.