Vì sao hộ chiếu chỉ có màu đỏ, xanh và đen: Màu sắc nói lên nhiều điều hơn bạn tưởng
Thông thường dân du lịch không quan tâm nhiều tới hình dáng hay màu sắc của quyển hộ chiếu bởi họ luôn nghĩ, không được chọn trang để đóng dấu mỗi lần xuất nhập cảnh cũng như lựa màu sắc của vỏ hộ chiếu. Tuy nhiên, họ không thể ngờ rằng màu sắc của hộ chiếu ẩn chứa nhiều điều đặc biệt.
Tạp chí Business Insider mới đây giải thích lý do hộ chiếu chỉ có vài màu như màu đỏ, xanh dương, xanh lá cây và đen. Một sự thật bất ngờ được bật mí chính là việc lựa chọn màu sắc hộ chiếu không dựa trên hệ thống phân loại quốc gia đặc biệt nào. Nhưng tất nhiên cũng không phải ngẫu nhiên mà mỗi quốc gia lại chọn một màu sắc cho hộ chiếu của mình.
Phó giám đốc Marketing của Passport Index - Hrant Boghossian - cho biết: "Hầu hết các hộ chiếu trên thế giới đều dựa trên 2 màu cơ bản là xanh và đỏ".
"Không có quy định nào về màu vỏ hộ chiếu cả. Chúng ta chỉ có những quy chuẩn về kích thước bìa, định dạng và công nghệ xác nhận dành cho hộ chiếu" - Anthony Philbin đến từ Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế khẳng định.
Vậy chúng ta có thể suy luận điều gì từ màu hộ chiếu? Theo Boghossian, đó chỉ đơn giản là vấn đề bản sắc dân tộc.
Hộ chiếu màu đỏ
Hầu hết các thành viên của Liên minh châu Âu (trừ Croatia) đều sử dụng hộ chiếu màu đỏ mận. Một số quốc gia muốn gia nhập vào cộng đồng này đã tự thay đổi màu sắc hộ chiếu của nước mình để phù hợp (Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ). Tờ The Economist ví đây là một trong những cách để "xây dựng thương hiệu tập thể" của EU.
Ngoài ra, các nước trong Liên minh Andean (tập hợp các quốc gia Nam Mỹ được hình thành dựa trên khuôn mẫu của liên minh Châu Âu EU) bao gồm Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru cũng sử dụng hộ chiếu đỏ mận này.
Hộ chiếu của Thụy Sĩ, một quốc gia nổi tiếng với về lĩnh vực ngân hàng và đồng hồ cao cấp lại lựa chọn màu đỏ sáng cho hộ chiếu với lý do phù hợp với màu quốc kỳ.
Hộ chiếu màu xanh nước biển
Boghossian chia sẻ với tờ Business Insider rằng khu vực Caribe hay còn gọi là các quốc gia trong khu vực cộng đồng Caribe (CARICOM) thường sử dụng màu xanh nước biển bởi đó là màu sắc tượng trưng cho “Thế giới mới”.
Hầu hết các nước thuộc liên minh Mercosur đều sử dụng hộ chiếu màu xanh nước biển trừ Venezuela (quốc gia này từng là thành viên của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ - Andean nên vẫn sử dụng hộ chiếu màu đỏ)
Các bạn có thể đều biết, hộ chiếu nước Mỹ có màu xanh da trời đậm nhưng đây không phải màu sắc được lựa chọn ngay từ những ngày đầu. Hộ chiếu nước này được đổi sang màu xanh navy từ năm 1976 để phù hợp với màu quốc kỳ, trước đó quyển sổ nhỏ xinh này thay đổi liên tục tấm áo của mình.
Trong những năm 1930, hộ chiếu nước Mỹ có màu xanh lá cây, sau đó người ta đổi sang màu đỏ tía rồi đến màu đen vào thập kỷ 70. Cuối cùng, quốc gia này đã lựa chọn màu xanh navy là màu sắc cuối cùng (cho tới thời điểm này) cho hộ chiếu của mình.
Hộ chiếu màu xanh lá cây
"Hầu hết các quốc gia Hồi giáo sử dụng hộ chiếu màu xanh lá cây vì lý do tôn giáo” - Boghossian tiếp tục chia sẻ với Business Insider.
Các biến thể của màu xanh lá cây cũng được sử dụng bởi các thành viên của ECOWAS - Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi - bao gồm Niger và Senegal.
Hộ chiếu màu đen
Lý do chính để các quốc gia lựa chọn màu tối cho hộ chiếu của đất nước (ngay cả các tông màu đậm của màu xanh và màu đỏ) vì công năng sử dụng: màu tối sẽ cho cảm giác không dễ bám bẩn và có vẻ trang trọng hơn. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này là Cộng hòa Botswana, Zambia. Riêng New Zealand sử dụng màu đen vì đây là một trong những màu đặc trưng của quốc gia này.
Hoa Kỳ và Syria cùng sử dụng màu xanh navy cho vỏ hộ chiếu của mình nhưng quốc gia Trung Đông lại bị xếp hạng tệ nhất trên thế giới. Hộ chiếu của Syria chỉ cho phép bạn nhập cảnh ở 32 nước mà không cần thị thực (vì lý do quan hệ ngoại giao) trong khi đó Hoa Kỳ lại đứng thứ ba trong bảng xếp hạng .
"Chúng ta quên rằng hộ chiếu là sản phẩm thuộc về người dân. Đối với một số người thì quyển sổ này là một rào cản nhưng với một số khác thì đó lại là quyền của họ. Thật không may, chỉ có rất ít người hiểu được tầm quan trọng của tài liệu này về bản sắc thương hiệu của đất nước mình", Boghossian nhắc lại.
Boghossian cũng cho rằng đã đến lúc tạo nên một cuộc cách mạng trong thiết kế hộ chiếu. Có thể lấy ví dụ điển hình tại Na Uy - quốc gia mới đây đã tổ chức một cuộc thi thiết kế hộ chiếu. Ngay cả Mỹ - quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới cũng đang dần có những biến chuyển.