Vì sao loại hình bất động sản shophouse lại được giới đầu tư săn đón?
Theo báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu, tại Tp.HCM tỷ lệ giao dịch ở phân khúc biệt thự, liền kề và shophouse đạt trên 90%. Giá bán tăng cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Thống kê của CBRE cho thấy, hiện giá chào thuê bình quân của shophouse ở Tp.HCM dao động từ 10-30 USD/m2/tháng, giá chào bán đạt từ khoảng 2.700 - 4.000 USD/m2. Mức lợi nhuận từ việc cho thuê shophouse đạt khoảng 8 - 12%/năm. So với đầu tư căn hộ chung cư hay gửi ngân hàng, sản phẩm này tạo ra hiệu suất dòng tiền cao hơn, còn so với vàng hay chứng khoán thì ít rủi ro hơn.
Trong báo cáo quý 1/2019, đơn vị này cũng chỉ ra, do ảnh hưởng từ việc cấp phép các dự án mới trên địa bàn Tp.HCM trong bối cảnh quỹ đất không còn dồi dào, các chủ đầu tư cũng tập trung vào các loại hình sản phẩm đi theo xu hướng đa dạng công năng và có giá trị cao đặc biệt là nhà phố thương mại. Trong quý nhà phố thương mại chiếm 34% tổng nguồn cung mới và tiếp tục có giá chào bán rất cao, đơn cử như dự án CityLand Park Hills (Quận Gò Vấp) chào bán sản phẩm này ở mức 10.670 USD/m2 đất.
Theo các chuyên gia shophouse vẫn thu hút giới đầu tư trong thời gian tới
Trong đó, tỉ lệ hấp thụ của các dự án chào bán mới trong quý 1/2019 đạt mức tốt. Theo CBRE, 84% tổng số căn chào bán trong quý 1/2019 được tiêu thụ thành công và có dự án đã tiêu thụ hết rổ hàng ngay trong đợt mở bán đầu tiên. Tính chung cho toàn thị trường, tỷ lệ bán lũy kế đã gia tăng đáng kể lên mức gần 96% trong quý 1/2019. Lượng hàng tồn sụt giảm mạnh trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu đã đẩy giá bán thứ cấp tiếp tục tăng.
Theo ghi nhận, riêng phân khúc shophouse, thị trường sơ cấp thiếu hụt nguồn cung mới sẽ đưa tỷ lệ bán luôn đạt mức cao (trên 80%) và giá mở bán dự đoán sẽ tăng trung bình 4%-5% sau mỗi giai đoạn.
Dự báo của các chuyên gia, năm 2019, thị trường shophouse vẫn sẽ tiếp tục hấp dẫn các NĐT khi biên độ sinh lời không ngừng tăng bởi sự lệch pha của cán cân cung cầu tạo ra động lực phát triển.
Còn về nguồn cung shophouse, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam đánh giá đang thấp hơn nhiều so với căn hộ. Trong khi đó, nhu cầu hiện hữu đang ngày một gia tăng. Theo thống kê có tới 43.230 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 3,7%, xu hướng khởi nghiệp startup đang khiến mặt bằng kinh doanh và dịch vụ được khai thác khá mạnh. Hai thái cực trên đang tạo ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị cho dòng sản phẩm này.
Một yếu tố quan trọng không thể không tính đến để củng cố cho vị thế của shophouse trong năm 2019, đó là tâm lý shopping truyền thống. Dẫu mua hàng qua các trang mạng trực tuyến đang ngày lan rộng nhưng hoàn toàn không thể thỏa mãn được nhu cầu về trải nghiệm thực tế sản phẩm trước khi chọn lựa, đặc biệt là đối với các sản phẩm cao cấp.
Cũng như nhu cầu về thư giãn và giải trí của khách hàng khi dạo phố mua sắm cũng khiến cho các dãy phố shophouse trở thành những trung tâm văn hóa giải trí không thể thay thế. Đặc biệt là những dãy shophouse trong các quần thể đô thị phức hợp sẽ trở thành xu hướng được nhiều NĐT chọn lựa làm chiến lược phát triển lâu dài.
Hiện nay, tỷ lệ shophouse thường chiếm từ 2 – 5% số lượng các sản phẩm trong khu đô thị. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là tỷ lệ hợp lý và mang lại hiệu quả cao cho các nhà đầu tư. Việc lựa chọn được những căn có vị trí đẹp cũng gia tăng giá trị cả khi kinh doanh hoặc bán lại. Đây chính là lý do khiến mức giá các căn shophouse trong cùng một dự án có mức chênh lên đến vài tỷ, thậm chí cả chục tỷ đồng nhưng vẫn thu hút giới đầu tư.
Theo các chuyên gia, hiện các shophouse thiết kế thông minh, theo xu hướng mở, tách biệt phần diện tích kinh doanh và phần diện tích ở. NĐT có thể cho thuê riêng tầng 1 để làm cửa hàng, nhà hàng hoặc văn phòng, trong khi vẫn có thể ở các tầng trên rất riêng biệt. Chính yếu tố này đã phần nào tác động đến tính thanh khoản của shophouse.
Theo JLL Việt Nam, người mua loại hình BĐS này chủ yếu với mục đích đầu tư. Nếu chỉ xét về tỷ suất lợi nhuận cho thuê ròng so với vốn bỏ ra, loại hình này không thật sự hấp dẫn so với các loại hình khác. Tuy nhiên, với lợi thế về công năng kết hợp vừa ở vừa kinh doanh, và tọa lạc tại các trục đường thuận lợi kinh doanh, người mua loại hình này chủ yếu kỳ vọng vào việc tăng giá trị của BĐS trong tương lai hoặc hướng đến mục đích sử dụng cho việc tự kinh doanh.
Theo tâm lý chung thị trường, đa số những dự án BĐS có mặt tiền đẹp luôn có biên độ tăng giá cao.
Tuy vậy, theo đại diện đơn vị này, người mua cũng nên có những sự đánh giá, khảo sát nhất định trước khi xuống tiền để đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Dù là dòng sản phẩm được giới đầu tư săn đón nhưng theo đại diện Savills Việt Nam, để shophouse có thể phát triển mạnh và mang lại hiệu quả cao hơn nữa, cần có sự chia sẻ nhiều hơn của các chủ đầu tư trong khâu tìm kiếm “đầu ra” cho sản phẩm. Đồng thời, NĐT để ý tính pháp lý, thanh khoản của dự án.