Vì sao mang hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ là một ý tưởng tồi?
Đã quá muộn để Mỹ mang toàn bộ chuỗi cung ứng trở về quê nhà. Đáng nhẽ Mỹ phải làm điều đó từ đầu những năm 1980.
- 21-09-2018CEO Tim Cook giải thích tại sao sản phẩm Apple thoát được thuế quan vào phút chót
- 19-09-2018Bí mật đen tối ở công ty nghìn tỷ USD: Chuyện về gã kỹ sư thiết kế ra iPhone đời đầu cùng Steve Jobs nhưng sau đó phải rời bỏ Apple trong lặng lẽ mà chẳng ai hay biết tên tuổi
- 13-09-2018Những chiếc iPhone mới nhất chính là bằng chứng sống cho thấy Apple phải xuống nước để phục vụ thị trường Trung Quốc như thế nào!
Tổng thống Trump nói rằng có 1 cách rất dễ dàng để Apple tránh được thuế quan: hãy mang hoạt động sản xuất về Mỹ. Nếu Apple làm theo lời khuyên này, có thể coi ông Trump đã giành chiến thắng. Nhưng đó sẽ là một chiến thắng rỗng tuếch, bởi nước Mỹ đã nắm lấy phần có giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng, mang về rất ít lợi ích cho người Mỹ trong khi không hề hướng đến cuộc chạy đua thực sự đang diễn ra trong bức tranh thương mại toàn cầu.
Theo Wall Street Journal, đó chính là cuộc chạy đua nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những linh kiện điện tử tinh vi hơn. Mỹ đang có lợi thế và vươn lên dẫn trước trong cuộc đua này, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Ông Trump đã đúng khi chỉ ra những hành vi không công bằng của Trung Quốc – như buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ - đang đe dọa vị thế của Mỹ. Nhưng về lâu dài cách thức ông xử lý vấn đề sẽ gây ra thiệt hại nhiều hơn là mang về lợi ích.
Chiếc điện thoại iPhone của Apple là một trong những sản phẩm tiêu dùng thành công nhất và mang tính toàn cầu hóa cao nhất trong lịch sử. Camera của iPhone 7 được sản xuất tại Nhật Bản, chip nhớ ở Hàn Quốc, một số bộ phận ở Anh, Hà Lan, Đài Loan và cả ở Mỹ. Những công nhân lắp ráp iPhone ở Trung Quốc chỉ đóng góp 1% giá trị của sản phẩm đã hoàn thành. Các cổ đông và nhân viên của Apple, phần lớn là người Mỹ, có 42%.
Giả sử Apple quyết định rằng tất cả điện thoại iPhone bán ở Mỹ đều sẽ được sản xuất tại Mỹ. Theo ước tính của hai giáo sư Jason Dedrick của ĐH Syracuse và Kenneth Kraemer của ĐH California, khi đó mỗi chiếc điện thoại sẽ cần đến 2 giờ để lắp ráp. 60 triệu chiếc cần 120 triệu giờ làm việc, tương đương khoảng 60.000 việc làm.
Thuê từng đó nhân công không phải là việc dễ dàng. Năm 2013, Motorola quyết định sản xuất điện thoại Moto X ở Mỹ nhưng đã không thể tìm đủ công nhân, theo Willy Shih, 1 chuyên gia về sản xuất chế tạo tại Harvard Business School cũng là giám đốc của Flex Inc., bên lắp ráp mà Motorola đã thuê. Cuối cùng đến năm 2014 Motorola đã phải chuyển sang thuê ngoài. Bản thân Apple cũng từng đối mặt với vấn đề tương tự khi cố gắng lắp ráp máy tính Mac Pro ở bang Texas.
Kể cả khi Apple thuê được 60.000 công nhân, chắc hẳn số công nhân này sẽ chuyển từ các nhà máy khác sang trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ thấp như hiện nay. Họ chuyển việc vì nhận được mức lương cao hơn, đồng nghĩa lợi ích cho công nhân Mỹ sẽ bị triệt tiêu bởi mức giá iPhone cao hơn mà người tiêu dùng Mỹ phải trả.
Việc này sẽ khiến giá iPhone tăng lên bao nhiêu? Dedrick đưa ra con số 30 USD nhưng Shih nghĩ rằng con số sẽ lớn hơn vì phải tính đến chi phí vận chuyển linh kiện đến Mỹ.
Thêm vào đó, ở Mỹ khó có thể tuyển thêm hàng trăm nghìn công nhân để tăng sản lượng mỗi khi có mẫu iPhone mới ra đời. Đây là điều chỉ có thể thực hiện được ở châu Á, trong khi một phần nguyên nhân khiến Apple có thể đưa ra mức giá cao hơn là bởi hãng thường đi trước đối thủ.
Tương tự như iPhone, lắp ráp cũng chỉ chiếm 1% giá trị chiếc Galaxy S7 của Samsung, 4% giá trị chiếc P9 của Huawei. Đối với cả 3 chiếc điện thoại này, phần giá trị nhất của chuỗi cung ứng nằm ở nơi khác: trong công đoạn thiết kế và nghiên cứu được thực hiện tại công ty mẹ, công đoạn sản xuất các linh kiện quan trọng như bộ vi xử lý, các con chip và camera và quyền sở hữu trí tuệ đối với các bằng sáng chế.
Những công đoạn này không tạo ra nhiều việc làm nhưng đem đến nhiều lợi ích cho nền kinh tế về dài hạn, dưới dạng đổi mới sáng tạo và lợi nhuận còn được tái đầu tư vào các sản phẩm và thị trường mới.
Đây cũng chính là phần quan trọng của bức tranh thương mại toàn cầu hiện nay. Đã quá muộn để Mỹ mang toàn bộ chuỗi cung ứng trở về quê nhà. Đáng nhẽ Mỹ phải làm điều đó từ đầu những năm 1980, trước khi các nhà sản xuất châu Âu bắt đầu thuê ngoài các dây chuyền lắp ráp máy tính cá nhân và nhiều linh kiện điện tử tại các nền kinh tế Đông Á. Đài Loan và Hàn Quốc đã tận dụng làn sóng này để tiếp thu công nghệ và ngày càng sản xuất được những sản phẩm tinh vi hơn.
Đến những năm 2000, Trung Quốc áp dụng chiến thuật tương tự, bắt đầu với các dây chuyền lắp ráp đơn giản nhưng sau đó thu hút các nhà cung ứng bằng cách hứa hẹn sẽ dành cho họ nhiều ưu đãi trong tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là nơi đặt nhà máy của 4 trong số 6 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Huawei đã có thể mua nhiều linh kiện tinh vi như chip và bộ vi xử lý từ các nhà cung ứng nội địa.
Câu hỏi mà ông Trump nên giải quyết là Trung Quốc sẽ tiến xa đến đâu trên chuỗi giá trị. Ông đã buộc tội Trung Quốc sử dụng chính sách ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, tài trợ quá nhiều cho các công ty Trung Quốc và dựng lên hàng rào phi thuế quan để giúp "gà nhà" đánh bại các đối thủ nước ngoài.
Mỹ đang có nhiều lợi thế trong cuộc chiến này, dựa vào việc Trung Quốc tiếp tục phải phụ thuộc vào công nghệ Mỹ và sự hiện diện của các công ty như Apple để tiến lên. Nhưng Mỹ cũng đối mặt với nhiều nguy cơ: buộc Apple phải gánh chi phí sẽ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của hãng, và Trung Quốc có rất nhiều cách để trừng phạt các công ty Mỹ.
Các doanh nghiệp Mỹ luôn ủng hộ các mục tiêu của Tổng thống Trump và sẽ sẵn sàng chấp nhận những nỗi đau trong ngắn hạn để đạt được mục tiêu, nhưng thành công không nên được đo đếm một cách đơn giản bằng số việc làm mới được tạo ra ngay trước mắt mà bằng chất lượng của những việc làm mà họ có thể tạo ra ở cả thời điểm hiện tại và trong tương lai.