MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao mốc 7 lại đặc biệt quan trọng đối với nhân dân tệ?

18-06-2019 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Kỳ sát hạch quan trọng tiếp theo đối với đồng nhân dân tệ sẽ là cuộc họp G20 tại Nhật Bản cuối tháng này.

Nếu giảm xuống mốc 7 NDT đổi 1 USD, hay "đột phá mốc bảy" trong đối thoại thương mại, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ đạt mức suy yếu chưa từng thấy kể từ sau khi chạm đáy trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 11 năm trước. Động thái này cũng sẽ xâm phạm mức tỉ giá sàn được NHTW Trung Quốc bảo toàn trong suốt đợt mất giá mạnh vào năm ngoái và năm 2016.

Để bảo vệ đồng tiền của mình, vào năm 2016, Trung Quốc đã buộc phải nhanh chóng tẩu tán dự trữ ngoại hối bằng cách chi 170 tỉ USD trong duy nhất một tháng sau cú sốc hạ giá tiền tệ với mức giảm kỷ lục chỉ trong một ngày vào tháng tám. Mặc dù đem lại tác động tích cực tới nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng động thái này lại khiến các dòng vốn ồ ạt chảy ra nước ngoài, và Trung Quốc vướng phải cáo buộc thao túng tiền tệ từ Washington và phải chịu sự giám sát thường xuyên của Bộ Tài chính Mỹ.

Tới nay, sau đợt sụt giảm vào đầu tháng 5 sau khi tổng thống Donald Trump đe doạ áp mức thuế quan cao hơn đối với hàng hoá Trung Quốc, xu hướng giảm của đồng nhân dân tệ đã tạm ngừng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào cuối tháng này. Hội nghị có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để lãnh đạo Mỹ-Trung đạt tới thoả thuận gỡ bỏ 25% thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc.

Trung Quốc quản lý đồng nhân dân tệ thế nào?

Kể từ năm 2015, tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ trong nước (CNY) được phép dao động lên xuống 2% so với điểm giữa của biên độ giao dịch trong ngày do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố mỗi sáng. Khi Trump đe doạ áp dụng mức thuế quan cao hồi đầu tháng 5, điểm giữa đã giảm nhẹ đủ để đẩy biên độ giao dịch qua mốc 7 nhân dân tệ/USD.

Bắc Kinh cũng cho phép giao dịch một lượng nhỏ nhân dân tệ tại Hồng Kông, nhằm quốc tế hoá đồng nhân dân tệ. Đây được gọi là CNH, đồng nhân dân tệ ở hải ngoại. Tỉ giá này không bị biên độ giao dịch giới hạn, và do đó, phụ thuộc vào diễn biến của các lực đẩy trên thị trường. Dù khoảng cách giữa hai tỉ giá CNY và CNH đã nới rộng trong những tuần gần đây, những hai tỉ giá vẫn chênh lệch ít hơn so với cú sốc giảm giá vào năm 2015.

Vào thứ ba, PBoC tuyên bố sẽ phát hành chứng khoán nợ niêm yết bằng nhân dân tệ tại Hồng Kông. Nhiều người dự đoán Trung Quốc đang tìm cách thu hút thanh khoản tại đây và bảo vệ tiền tệ của mình. Tuy nhiên, Mansoor Mohi-uddin, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại NatWest Markets, cho biết đây có thể không phải là mục tiêu chính của phương án phát hành nợ, bởi nhu cầu nội địa đối với đồng đô la tại Trung Quốc có lẽ đang thúc đẩy thị trường hơn là bán tháo ra nước ngoài.

Chính quyền Trump nghĩ gì?

Mặc dù quan ngại về tỉ giá hối đoái đồng nhân dân tệ đang dần tiệm cận mốc 7 kể từ năm 2008, Bộ Tài chính Mỹ vẫn từ chối "gắn mác" thao túng tiền tệ cho Trung Quốc vào tháng trước. Tuy nhiên, vào thứ bảy, tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tại Osaka trước thềm Hội nghị G20, Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, dường như đã ám chỉ rằng việc Trung Quốc không thể can thiệp vào tỉ giá cũng có thể được coi là hành vi thao túng tiền tệ.

Mốc 7 có thực sự quan trọng?

Mặc dù vào thứ hai, đồng nhân dân tệ đã chạm mức đáy trong vòng sáu tháng so với USD, nhiều chiến lược gia vẫn nghi ngờ tỉ giá sẽ đột phá mốc 7 trước Hội nghị G20, và vào thứ năm, tỉ giá CNY chỉ giảm 0,1%, đạt mức 6,9218 nhân dân tệ/ USD.

Christy Tan, trưởng nhóm chiến lược và nghiên cứu thị trường châu Á tại NAB, cho biết PBoC chưa thể áp dụng biện pháp hạ giá để xử lý vấn đề thương mại. PBoC vẫn chưa quên bài học đắt giá khi các dòng vốn ồ ạt đổ ra nước ngoài và những chỉ trích từ quốc tế vào năm 2015.

Tuy nhiên, Tan cho biết nếu không thể đạt được thoả thuận tại G20 và Trump tiếp tục áp dụng 25% thuế quan với 300 tỉ USD giá trị hàng hoá còn lại của Trung Quốc, mốc 7 sẽ nhanh chóng bị phá vỡ.

Những bình luận gần đây của quan chức Trung Quốc chính là nền tảng cho kịch bản này, hạ thấp tầm quan trọng của ngưỡng 7. Vào thứ sáu, thống đốc ngân hàng trung ương Yi Gang cho biết giới hạn cứng cho tỉ giá hối đoái với USD không hề tồn tại.

Theo Lee Homin, chiến lược gia vĩ mô châu Á tại Lombard Odier, cho biết giới hạn dưới chủ chốt của đồng nhân dân tệ không phải là 7 NDT đổi 1 USD, mà là 92 điểm – giới hạn dưới của chỉ số CFETS so sánh giá trị nhân dân tệ với một nhóm các tiền tệ khác. Theo cập nhật hàng tuần gần đây nhất, chỉ số này chỉ ở mức trên 93 điểm.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên