Vì sao nông nghiệp “nhìn đâu cũng thấy tiền” nhưng chỉ có dưới 1% doanh nghiệp đầu tư?
Ông Lê Bá Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ VietCraft cho rằng: "Trong ngành nông nghiệp, nhìn đâu cũng thấy tiền nhưng làm sao để kiếm tiền từ ngành này lại là vấn đề không hề dễ".
Tại Diễn đàn " Doanh nghiệp , doanh nhân đối với phong trào Khởi nghiệp trong xây dựng nông thôn mới", nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng thuận rằng, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là rất lớn "nhìn đâu cũng thấy tiền" nhưng làm sao để kiếm tiền khi đầu tư vào lại là vấn đề vô cùng khó khăn do cả cơ chế, thủ tục hay công nghệ lạc hậu.
Bên cạnh những tập đoàn lớn tham gia đầu tư nông nghiệp thì phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam còn rất nhỏ. Tính đến giữa năm 2016, Việt Nam chỉ có trên 4.000 doanh nghiệp nông nghiệp (chiếm dưới 1% trên tổng số 420.000 doanh nghiệp của cả nước), trong đó có tới 50% doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động), các doanh nghiệp này không có cấu trúc rõ ràng, mô hình quản lý sơ khai và đặc biệt không có chiến lược kinh doanh và kế hoạch sản xuất.
Doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển?
Điều này đã khiến ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp nông nghiệp mãi không phát triển, vừa ít, vừa thiếu. Vì vậy, cần làm rõ những chính sách hiện tại về: Đất đai, tài chính,… để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Về chính sách đất đai, theo ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, chính phủ cần xác định giá đền bù ruộng đất cho nông dân thỏa đáng, nhằm đảm bảo cho người dân yên tâm sau khi giao đất cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân các tỉnh phải là trọng tài trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp vừa phải trả tiền cho dân mua đất lại phải trả tiền thuê đất.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều rủi ro. Do vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, có gói tín dụng riêng cho vay đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Thắng cho rằng cần hỗ trợ thêm về xúc tiến thương mại, khoa học kỹ thuật, chi phí đào tạo nghề…
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc CTCP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương)
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc CTCP Sunstar Lacto Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sao Thái Dương) cho hay: "Tiềm năng nông nghiệp ở Việt nam rất lớn nhưng nó mới dừng lại ở các chủ trương, đường lối kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn chứ chưa đi vào thực tế, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể chưa được nhiều".
Theo ông Nghĩa, "khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là khó khăn nhất trong tất cả các loại hình đầu tư. Vốn trong lĩnh vực nào cũng thiếu nhưng vốn trong lĩnh vực nông thôn lại càng thiếu hơn, là do tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn rất thấp, ngoài ra, kinh doanh trong lĩnh vực này lại gặp nhiều rủi ro do phải phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thiên tai".
"Vấn đề đặt ra là làm thế nào chúng ta tổ chức tốt, có chính sách tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp để giảm được các rủi ro khách quan như các chính sách liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, chính sách về bảo lãnh,… Có như vậy, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Hiện đã có 1 làn sóng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhưng hiệu quả thì chúng ta vẫn chưa nhìn thấy rõ", ông Nghĩa cho hay.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong đầu tư nông nghiệp
"Trong thời gian qua, đặc biệt trong 1 năm qua, đã có sự thay đổi rất lớn về môi trường kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những yêu cầu cụ thể trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đang cản trở rất nhiều sự đổi mới sáng tạo và sự chủ động của doanh nghiệp" ông Nghĩa cho biết .
Đặc biệt, một sự đổi mới rất lớn, đó là chính sách yêu cầu trong 1 năm không được quá 1 đoàn thanh tra doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nữa như: Thủ tục cấp phép đầu tư hay Nghị định 210, một Nghị định ban hành nhưng kèm theo đó là hai Thông tư hướng dẫn từ hai bộ khác nhau, doanh nghiệp đọc là thấy "choáng". Đó là còn chưa kể đến những điểm chưa khớp với nhau.
Đây là những vấn đề cần phải tháo gỡ trong thời gian tới, một Nghị định ra đời chỉ cần một thông tư hướng dẫn. Các Bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để đưa ra chứ doanh nghiệp không thể cùng 1 lúc ngồi đọc hai thông tư với quá nhiều thủ tục, với quá nhiều thông tin.
Các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào sản xuất, làm ra sản phẩm tốt, phát triển thị trường, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp về hạ tầng cơ sở, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ trực tiếp về tài chính. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là nhà nước nên hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bằng các chính sách hỗ trợ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp là chính chứ không phải là những chính sách hỗ trợ trực tiếp.
BizLive