MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao SCIC dành tới 2 tỷ đô mang gửi tiết kiệm và mua trái phiếu?

1/2 khối tài sản 73.300 tỷ đồng mà SCIC đang nắm là "quản lý hộ" Nhà nước.

Lần đầu tiên sau gần 10 hoạt động, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đã công bố chi tiết các số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư của mình. Không giống như các doanh nghiệp sản xuất thông thường, hoạt động của SCIC giống với một quỹ đầu tư hoặc các công ty chứng khoán hơn.

Lâu nay hầu hết mọi người đều biết SCIC đang nắm giữ những khoản đầu tư cổ phiếu rất giá trị như Vinamilk (có giá trị thị trường hơn 77.000 tỷ đồng), Dược Hậu Giang, Vinaconex… nhưng đều không rõ tổng công ty này còn nắm giữ những tài sản nào khác. Với những số liệu vừa được công bố, câu hỏi này đã phần nào được giải đáp.

Chỉ ½ số vốn đang quản lý là thuộc về SCIC

Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của SCIC đạt hơn 73.300 tỷ đồng (~3,3 tỷ USD) trong đó vốn chủ sở hữu đạt hơn 35.000 tỷ đồng.

SCIC hoàn toàn không vay nợ ngân hàng nhưng có khoản phải Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Doanh Nghiệp) lên đến 37,8 nghìn tỷ. Bản thân SCIC cũng có khoảng phải thu 2,4 nghìn tỷ với quỹ này.

Quỹ Sắp xếp Doanh Nghiệp tiền thân là Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương – được thành lập để quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ phần vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn thu từ quá trình sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Đáng chú ý là chính SCIC được giao nhiệm vụ tổ chức giữ Quỹ để thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền. Danh mục đầu tư mà SCIC đang quản lý bao gồm danh mục của chính SCIC và danh mục quản lý hộ Quỹ Doanh Nghiệp.

2/3 tài sản được đem gửi tiết kiệm, mua trái phiếu

Theo tính toán của CafeF, lượng cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang nắm giữ hiện có giá trị thị trường lên đến 95.000 tỷ (4,2 tỷ USD) nhưng chỉ được ghi nhận trên sổ sách ở mức 12.500 tỷ đồng, chiếm 1/6 tổng tài sản.

Bên cạnh đó là lượng cổ phiếu chưa niêm yết có giá trị sổ sách gần 6.000 tỷ. Các khoản đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết lớn của SCIC gồm có FPT Telecom, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng….

Ngoài việc tiếp nhận vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, SCIC cũng trực tiếp thực hiện một số khoản đầu tư mới. Trong năm 2015, SCIC đã rót 1.000 tỷ đồng để nắm 35% cổ phần của Gang thép Thái Nguyên (Tisco) và rót gần 1.700 tỷ đồng mua 10% cổ phần Ngân hàng Quân đội.

Phần lớn tài sản mà SCIC đang quản lý, trị giá gần 46.000 tỷ đồng được phân bổ vào 2 tài sản rất “an toàn” là gửi tiết kiệm (25.300 tỷ) và mua trái phiếu (20.500 tỷ).

Trong số này, có 12.600 tỷ tiền gửi và 15.000 tỷ đồng là thuộc về Quỹ Sắp xếp Doanh nghiệp. Ngoài ra, Quỹ này còn đầu tư 1.500 tỷ đồng cổ phiếu và cho vay 6.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Quỹ này là quản lý tập trung, thống nhất có hiệu quả nguồn thu từ vốn nhà nước tại doanh nghiệp chứ không phải là đem tiền đầu tư nên phần lớn tài sản của Quỹ được phân bổ vào tiền gửi và trái phiếu là khá dễ hiểu.

Như vậy, nếu tách bạch với Quỹ Sắp xếp Doanh nghiệp, danh mục đầu tư của riêng SCIC gồm có 17.000 tỷ đầu tư cổ phiếu (ghi nhận theo giá trị sổ sách), hơn 12.700 tỷ đồng tiền mặt-tiền gửi cùng 5.750 tỷ đồng trái phiếu và đầu tư khác.

Hai khoản mục này mặc dù chiếm tới 60% tổng tài sản nhưng chỉ mang về 1.040 tỷ đồng tiền lãi – tức chỉ chiếm 10% nguồn thu trong năm 2015 của SCIC, thấp hơn rất nhiều so với nguồn thu từ cổ tức (4.900 tỷ) và bán các khoản đầu tư (4.600 tỷ).

Nguồn thu cổ tức luôn là nguồn thu ổn định, tăng đều đặn qua các năm mà SCIC cũng không phải tốn nhiều công sức để có được nguồn thu này. Chỉ riêng việc Vinamilk với 2 đợt trả cổ tức tiền mặt đã mang về cho SCIC 2.700 tỷ đồng - chiếm tới ¼ tổng doanh thu trong năm.

Công việc tốn công sức nhất của SCIC nằm ở việc tìm kiếm đối tác để thoái vốn đầu tư. Nhờ đẩy mạnh thoái vốn trong năm 2015 mà nguồn thu này đã tăng vọt lên 4.500 tỷ so với mức 2.200 tỷ của năm trước đó.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên