MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao thị trường địa ốc TP.HCM khan hiếm nguồn cung mới?

27-02-2019 - 08:34 AM | Bất động sản

Bên cạnh câu chuyện khó tìm quỹ đất để triển khai dự án mới vì giá đất cao thì doanh nghiệp địa ốc hiện nay còn “đau đầu” với chuyện có sẵn quỹ đất nhưng vẫn chưa thể bung hàng.

Thị trường BĐS năm 2019 đang ghi nhận 2 vấn đề nổi bật: Thứ nhất, xu hướng săn quỹ đất tại thị trường các tỉnh, TP lớn của các doanh nghiệp BĐS lớn, nơi vốn là thị phần của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thứ hai, doanh nghiệp địa ốc có sẵn quỹ đất nhưng chưa thể bung hàng vì câu chuyện pháp lý không còn dễ dàng như trước.

Bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại JLL Việt Nam từng bày tỏ quan điểm tại báo cáo mới đây, quá trình phê duyệt kéo dài có thể ảnh hưởng đến những dự án phát triển mới trong năm 2019. Do đó, việc tìm quỹ đất “sạch” và minh bạch sẵn sàng để đầu tư sẽ là một thách thức cho các nhà phát triển và đầu tư trong năm tới.

Bên cạnh việc tìm nguồn đất sạch để triển khai dự án mới thì câu chuyện là có sẵn quỹ đất nhưng vướng pháp lý hoặc thời gian để hoàn thiện pháp lý kéo dài cũng khiến nhiều doanh nghiệp “đau đầu”.

Vì sao thị trường địa ốc TP.HCM khan hiếm nguồn cung mới? - Ảnh 1.

Đầu năm 2019 tình hình khan cung mới trên thị trường địa ốc Tp.HCM thấy rõ nét. Ảnh: Hạ Vy

Khi được hỏi có dự án mới nào trong năm nay sắp đưa ra thị trường, một CEO doanh nghiệp BĐS có trụ sở tại Q.Tân Bình, Tp.HCM than thở: “Doanh nghiệp đã có quỹ đất dự kiến làm dự án trong năm nay nhưng vấn đề là chờ đợi thủ tục pháp lý hoàn chỉnh, nên cũng không cụ thể được thời gian ra hàng”.

Tương tự, một dự án của CĐT có trụ sở tại Q.3 dự kiến chào bán trong quý 2/2019 nhưng đến hiện tại thừa nhận, hồ sơ pháp lý dự án vẫn chưa xong nên có thể lùi thời điểm giới thiệu dự án ra thị trường vào quý 3 hoặc quý 4/2019.

Dù đã manh nha thông tin ra thị trường từ thời điểm cuối năm 2018 nhưng đến nay dự án căn hộ tại đường Lò Lu (Q.9) vẫn chưa thể nhận giữ chỗ của khách hàng vì CĐT chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án.

Cùng cảnh ngộ, một doanh nghiệp BĐS Tp.HCM chuyên đầu tư đất nền tỉnh cũng tỏ ra lo lắng vì không rõ thời điểm nào trong năm công ty có dự án cho anh em sales bán vì cơ bản vẫn phải chờ đợi thủ tục pháp lý dự án hoàn chỉnh mới dám bung hàng.

Theo ghi nhận, ngay đầu năm 2019 tình hình khan hiếm nguồn cung mới trên thị trường BĐS Tp.HCM đã nhìn thấy rõ nét. Dự báo đến khoảng quý 2&3/2019 mới có các dự án bung hàng, tuy nhiên đó cũng chỉ là thời gian dự kiến từ phía doanh nghiệp, còn hầu hết cũng chờ đợi hoàn thiện xong thủ tục pháp lý mới chào bán. Như vậy, tính ra, thời điểm ra hàng đa số rơi vào cuối năm 2019, nhưng theo cách các doanh nghiệp nói, cũng không có nhiều dự án lớn được triển khai trong năm nay.

Chia sẻ tại sự kiện mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận định, nguồn cung khan hiếm là thực tế đang diễn ra trên thị trường Tp.HCM, nhất là ở phân khúc vừa túi tiền. Ngay cả ở phân khúc cao cấp, trung cấp vốn áp đảo thị trường những năm qua thì đến giai đoạn hiện tại cũng khá ít dự án mới được chào bán.

Thực tế cho thấy, ngay đầu năm 2019 nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt các sàn giao dịch BĐS nghỉ Tết “dài hơi”. Nhiều sàn chấp nhận nuôi quân “không” 2-3 tháng sau Tết để chờ dự án mới. Theo các doanh nghiệp, nếu cùng thời điểm năm ngoái, sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp BĐS đã có sẵn nguồn hàng để môi giới chạy thì đến giai đoạn hiện nay tình hình trái ngược hẳn. Không có dự án mới, hoặc có quỹ đất nhưng chưa thể bung hàng là thực tế ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung của thị trường nói chung.

Một số doanh nghiệp bày tỏ quan điểm để thị trường có nguồn cung mới, doanh nghiệp phát triển bền vững thì cần sự hỗ trợ “mạnh tay” từ chính sách, cơ chế của nhà nước. Tại cuộc gặp gỡ giữa Hiệp hội BĐS Tp.HCM và lãnh đạo Tp.HCM mới đây, rất nhiều doanh nghiệp địa ốc đề xuất tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục, giải phóng mặt bằng, thuế…để thị trường BĐS phát triển thông thoáng. Những đề xuất này đã được lãnh đạo TP ghi nhận và hứa sẽ sớm xem xét để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên