MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao tiểu thương chợ Tấn Tài chê chợ mới?

12-11-2016 - 08:46 AM | Bất động sản

Khoảng 500 tiểu thương chợ Tấn Tài, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận bức xúc, khi nhận được thông báo từ UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm rằng, sẽ ngừng hoạt động kinh doanh chợ Tấn Tài kể từ ngày 25.11 sắp tới… Chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đang nỗ lực vận động các tiểu thương di dời sang các chợ mới... Song, xem ra, các tiểu thương chợ Tấn Tài vẫn chưa mặn mòi để di dời sang chợ mới. Tại sao ?

Xóa sổ chợ Tấn Tài, thay thế bằng 5 chợ mới

Ngày 16.8.2016, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã ban hành Thông báo số 271/TB-UBND, về việc ngừng hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài. Theo ông Trần Minh Thái – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm: “Chợ Tấn Tài được đầu tư xây dựng vào năm 2003, với mục tiêu là chợ đầu mối tập trung nguồn rau từ các nơi trong và ngoài tỉnh, từ đó phân phối cho các nơi tiêu thụ.

Tuy nhiên, đến nay, hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài không còn đúng với tính chất ban đầu; số hộ kinh doanh ngày càng tăng, diện tích mặt bằng nhỏ không đủ đáp ứng; một số hộ tự ý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán các mặt hàng như trái cây, cá, rau…, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị; không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đúng với quy hoạch ban đầu.

Ngoài ra, vị trí chợ Tấn Tài nằm ngay giao lộ ngã năm phường Tấn Tài, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, các ngày lễ, tết… do các hộ kinh doanh mua bán lấn chiếm. Vì vậy, chính quyền thành phố đã có kế hoạch ngừng hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài”.

Theo chủ trương của UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, chợ Tấn Tài sẽ ngừng hoạt động từ ngày 25.11.2016. Chính quyền đã yêu cầu khoảng 500 hộ tiểu thương đang buôn bán ở chợ Tấn Tài phải “thực hiện việc di dời tài sản của mình ra khỏi khu vực chợ Tấn Tài về các địa điểm kinh doanh mới, trước ngày 20.11.2016”.

Theo UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, hiện trên địa bàn thành phố có 1 chợ hạng I và 5 chợ hạng II và một số chợ hạng III. Trong đó, có 1 chợ nông sản và 5 chợ dân sinh tổng hợp. Sau khi ngừng hoạt động chợ Tấn Tài, khoảng 500 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Tấn Tài có thể đăng ký di dời sang một trong các chợ trên để tiếp tục kinh doanh. Đặc biệt, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm cho rằng, riêng chợ nông sản Phan Rang (do Công ty TNHH – TMDV sửa chữa ô tô Lân Hà làm chủ đầu tư) mới xây dựng gồm 472 điểm kinh doanh, đảm bảo cho tất cả các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài vào hoạt động buôn bán…

Vả lại, chợ nông sản Phan Rang cách chợ cũ Tấn Tài chỉ… 500m, có đầy đủ chỗ đậu xe, bãi giữ xe, khu vực văn phòng, khu vực ngoài trời... Tổng diện tích mặt bằng chợ nông sản Phan Rang lên tới 1,2 ha… Ngoài ra, nếu không vào chợ nông sản Phan Rang, các tiểu thương chợ Tấn Tài có thể đăng ký vào các chợ khác như: chợ Mương Cát, chợ Phước Mỹ, chợ Tháp Chàm và chợ Phan Rang.

Tiểu thương chợ Tấn Tài đã lên tiếng kêu ca nhiều bất cập xung quanh việc di dời, đóng cửa chợ Tấn Tài.

Chợ mới, nhưng… bất cập đủ điều !

Không phải ngẫu nhiên, ngày 7.10.2016 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đã có buổi đối thoại lắng nghe ý kiến của các tiểu thương, xung quanh chủ trương ngừng hoạt động chợ Tấn Tài.

Ông Hồ Phước cho biết: “Hơn 500 hộ tiểu thương, khoảng 2.000 người ăn theo trong gia đình. Vậy mà nói dẹp chợ là dẹp ngay, làm sao chúng tôi chống đỡ kịp? Chúng tôi làm ăn, buôn bán đã hơn 10 năm ở chợ Tấn Tài, nay họ yêu cầu di dời sang chợ khác trong chóng vánh. Nói thiệt, trong 5 chợ, chỉ mỗi chợ nông sản Phan Rang là khả dĩ, còn 4 chợ kia, không ai di dời vô đâu, vì quá xa nơi chúng tôi buôn bán lâu nay. Song, chợ nông sản Phan Rang, dù cách chợ Tấn Tài có 500m, nhưng lại bất cập đủ thứ, làm sao chúng tôi vô bán?”.

Theo ông Phước, lối vào chợ nông sản Phan Rang quá chật hẹp, bất tiện, khó khăn trong mua bán và vận chuyển hàng hóa. Thông báo chợ nông sản Phan Rang có 2 cửa chính để ra vào (cửa Đông 12m, cửa Tây 23m); tuy nhiên, chợ chỉ có một cửa duy nhất có chiều rộng khoảng 6m (?!). “Hằng ngày cả ngàn người ra vô mua bán làm sao di chuyển qua cửa này” - ông Phước nói.

Trong khi đó, theo bà Trần Tuyết Nhung: “Chi phí thuê mua các sạp hàng ở đây quá cao so với mặt bằng chung và vượt khả năng của các tiểu thương đang buôn bán ở chợ Tấn Tài. Hiện tại ở chợ Tấn Tài, trung bình hàng tháng, các tiểu thương chỉ phải trả khoảng 225.000 đồng/tháng để thuê sạp. Nhưng sang chợ nông sản Phan Rang, số tiền thuê sạp tăng vọt lên 2.050.000 đồng/tháng, cho cùng diện tích thuê tương tự. Chưa kể các phát sinh khác như phí chỗ, phí đặt cọc… Chúng tôi là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiền thuê đắt đỏ như vậy làm sao chịu thấu ?”.

Bà Nhung còn cho biết, muốn vào chợ mới, tiểu thương phải đặt cọc 6 triệu đồng/lô. Kế đó, phải bốc thăm chọn sạp, giá thuê thấp nhất là 12 triệu đồng/sạp/năm, cao cũng phải 25 triệu đồng/sạp/năm…

Mặt khác, có nhiều tiểu thương phản ánh: Chính quyền thông tin diện tích xây dựng chợ là 1,2 ha. Tuy nhiên trên thực tế diện tích chợ nông sản Phan Rang mới được Công ty Lân Hà xây dựng có khoảng 5.000m2... Thực vậy, theo thông tin từ văn bản 142/KH-UBND ngày 16.8.2016 của UBND TP.Phan Rang - Tháp Chàm, thì tổng diện tích chợ nông sản Phan Rang mới được xây dựng chỉ có 5.132m2; còn 4.011,7m2 chủ đầu tư dùng làm khu văn phòng, bãi giữ xe...

Bà Trần Thị Thu Hương cho rằng: “Việc thiết kế xây dựng chợ nông sản Phan Rang có rất nhiều bất cập cần phải giải đáp thỏa đáng, mới thuyết phục được các tiểu thương vào chợ buôn bán. Gần 10.000m2 đất, chủ đầu tư chỉ dùng quá nửa diện tích xây chợ, còn gần một nửa để trống... Đây cũng là một bất cập.

Cận tết, di dời chợ sẽ gây thiệt hại cho hàng trăm tiểu thương

Bà Mai Thị Tuyết Thu nói: “Tôi sẵn sàng chấp hành chuyện di dời sang chợ mới. Tuy nhiên, di dời vào lúc nào, di dời làm sao để bà con tiểu thương không bị thiệt hại, không bị ảnh hưởng tới việc buôn bán mới là điều đáng nói. Đằng này, chính quyền ngừng hoạt động chợ vào ngày 25.11 – đây là thời gian cận Tết Nguyên đán.

Ai cũng biết, thời điểm cận tết là thời điểm “vàng”, thuận lợi nhất trong năm để tiểu thương kinh doanh. Nhờ thời điểm này, chúng tôi buôn bán được mới có tiền đóng thuế cho nhà nước… Mặt khác, chuẩn bị cho việc kinh doanh dịp tết, chúng tôi phải liên hệ với các mối lái, đối tác đặt hàng hóa, nông sản phục vụ tết… Vì vậy, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm buộc chúng tôi phải di dời đúng thời điểm này, làm sao chúng tôi còn bán buôn gì được trong mùa tết? Di dời một chỗ bán đã quen thuộc cả chục năm không thể trong một sớm một chiều, mà phải có lộ trình chứ”.

Theo bà Nguyễn Thị Sáu: “Buộc hàng trăm tiểu thương di dời trong thời điểm này, không khác nào ép các tiểu thương vào đường cùng, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các tiểu thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống không chỉ riêng các tiểu thương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình họ” .v.v…

Ngoài những ý kiến trên, tại cuộc đối thoại ngày 7.10 vừa qua, còn có không ít ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Ninh Thuận nên giữ lại chợ Tấn Tài để tiếp tục hoạt động hoặc bố trí một khu đất rộng rãi khác để làm chợ bằng vốn của Nhà nước. Từ đó, chi phí cho thuê mới vừa túi tiền các tiểu thương. “Ở đây, chợ nông sản Phan Rang là chợ do tư nhân (do Công ty TNHH – TMDV sửa chữa ô tô Lân Hà làm chủ đầu tư) bỏ vốn xây dựng và cho thuê. Do đó, giá cho thuê đắt đỏ quá” – bà Dương Thị Hà nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đã cho rằng: “Nhà nước quản lý và kiểm soát đơn giá cho thuê mặt bằng của chủ đầu tư chợ. Vì vậy, chúng tôi tiếp thu ý kiến của các tiểu thương, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành thu phí cho thuê mặt bằng của chủ đầu tư, đảm bảo không phát sinh những khoản thu ngoài quy định. Chính quyền sẽ yêu cầu chủ đầu tư thu phí chợ theo đúng khung giá quy định do UBND tỉnh ban hành (60.000 đồng/m2/tháng đối với chợ hạng II)”.

Tuy nhiên, cam kết trên vẫn chưa làm hàng trăm tiểu thương chợ Tấn Tài yên lòng. Hơn lúc nào hết, tập thể khoảng 500 tiểu thương chợ Tấn Tài mong mỏi chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận sớm xem xét việc di dời chợ Tấn Tài như thế nào, vào thời điểm nào để các tiểu thương, cũng như gia đình của họ, không bị thiệt đơn thiệt kép.

Theo Hoàng Hưng

Lao Động

Trở lên trên