Vì sao tỷ phú Trần Đình Long tự tin khẳng định Hoà Phát sẽ "là người chịu thiệt hại cuối cùng" nếu ngành thép đi xuống?
Năm 2022 được dự báo sẽ là giai đoạn vô cùng khó khăn với ngành thép sau 1 năm thăng hoa. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long khẳng định Hoà Phát sẽ là công ty chịu thiệt hại cuối cùng nếu ngành thép đi xuống.
- 07-06-2022Sản lượng thép xây dựng Hòa Phát tháng 5 tăng 32% so với tháng trước
- 06-06-2022Cổ phiếu giảm hơn 42% từ đỉnh, người nhà lãnh đạo Hòa Phát đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG
- 05-06-2022Doanh nghiệp tuần qua: Hòa Phát, MWG, KBC chốt quyền chia thưởng
- 03-06-2022Hòa Phát chốt quyền trả cổ tức 2021 tỷ lệ 35%
Ngành thép bắt đầu đi xuống sau hơn 1 năm thăng hoa
"Quý vị hãy đợi đến quý II, III, hết năm sẽ thấy kết quả kinh doanh của Hoà Phát thê thảm thế nào và mọi người cũng hiểu vì sao tôi thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022. Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm".
Đây là cảnh báo trước của người đàn ông được mệnh danh là "vua thép" Việt Nam - ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát khi nói về triển vọng ngành thép từ nay đến cuối năm.
Sau hơn 1 năm ngành thép xây dựng thăng hoa thì đến hiện tại, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn đi xuống.
Như thông lệ giai đoạn cuối quý I đến hết quý II là cao điểm mùa xây dựng và nhu cầu thép từ đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, năm nay quy luật ấy lại đảo ngược ngay trong tháng 4.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 lao dốc. (Nguồn: VSA)
Giá thép xây dựng trong tháng 5 giảm 300.000 - 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 4, trung bình quanh mốc 18,25 - 18,5 triệu đồng/tấn tuỳ chủng loại. Đà giảm vẫn kéo dài đến giữa tháng 6 khi giá thép chỉ còn giao dịch ở quanh mức 17 triệu đồng/tấn.
Việc giá thép liên tục giảm thúc đẩy các nhà phân phối tìm cách giảm tồn kho, nên lượng hàng xuất của nhà máy giảm nhiều so với bình thường. Các nhà máy tìm thêm thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường (Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ...).
Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, giá than đều tăng mạnh do lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng giữa Nga - Ukraine.
Điển hình như giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu tại cảng Australia hồi giữa tháng 5 giao dịch ở mức 480 USD/tấn FOB, tăng mạnh 25% so với đầu tháng 4. Giá than cốc có xu hướng tăng liên tục kể từ quý III/2021 và điều chỉnh mạnh trong tháng 3/2022.
Giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các nhà máy thép. (Nguồn: VSA)
Việc các nhà máy chỉ có thể chủ động được 20 - 30% nguyên liệu trong nước, phần còn lại là nhập khẩu, càng khiến tác động của việc giá nguyên liệu tăng trong khi giá thép giảm thêm rõ rệt hơn. Biên lợi nhuận của các công ty sản xuất thép trong quý I giảm 3 – 9,9 điểm %.
Ngoài ra, theo ông Long những dự tính về việc Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nguồn cung thiếu hụt do xung đột Nga - Ukraine lệch hoàn toàn so với thực tế. Trong khi đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc giảm sốc khi nước này cùng lúc thực hiện chính sách Zero Covid và cắt giảm khí phát thải.
Còn ở thị trường trong nước, các dự án đầu tư công trong nước được cho là "cứu cánh" của ngành thép cũng đang vướng vào vấn đề tốc độ giải ngân còn chậm.
"Hoà Phát sẽ là người chịu thiệt hại cuối cùng nếu thị trường thép đi xuống"
Năm ngoái khi được hỏi trong trường hợp thị trường thép không còn thuận lợi, Hoà Phát sẽ như thế nào, ông Trần Đình Long cho biết đã tính toán kỹ lưỡng để mình là người chịu thiệt hại cuối cùng.
"Khi kinh doanh chúng tôi tính toán làm sao trong trường hợp khó khăn nhất thì vẫn có lãi, công ty vẫn phát triển. Nếu thị trường thép có đi xuống, giá thép có giảm thì Hoà Phát là người cuối cùng chịu thiệt hại", ông Long nói.
Trong số các doanh nghiệp thép, hiện Hoà Phát có biên lợi nhuận gộp vượt trội hơn cả.
Tính trong quý I/2022, mặc dù biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát giảm 3,3 điểm % xuống 22,9% nhưng con số này cao hơn rất nhiều so với phần còn lại của ngành thép là 2,7 - 13,4%.
Biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp thép niêm yết trên sàn chứng khoán trong quý I/2022
Hoà Phát có được điều này một phần nhờ hệ sinh thái sản xuất thép chặt chẽ. Theo đó, với khu liên hợp Dung Quất 1 sản xuất thép cuộn cán nóng và các sản phẩm khác (công suất 5 triệu tấn/năm), Hoà Phát có thể tự chủ thép thượng nguồn (đầu vào để sản xuất tôn mạ, ống thép…).
Hiện tại Việt Nam chỉ có Hoà Phát và Formosa sản xuất được thép cuộn cán nóng với công suất chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép khác phải nhập nguyên liệu từ bên ngoài.
Hoà Phát đang triển khai dự án Dung Quất 2 với công suất thiết kế khoảng triệu tấn/năm, và đây được xem là con át chủ bài của tập đoàn.
"Dự án Dung Quất 2 với công suất 6 triệu tấn/tấn chiếm trọng tố rất quan trọng. Không thể thất bại! Không thể chậm được! Chậm ngày nào thiệt hại ngày đó. Vì vậy chúng tôi dồn toàn tâm, toàn lực vào dự án này", ông Long nói.
Tại dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hoà Phát sử dụng công nghệ lò cao. Khác với lò hồ quang điện vốn đang phổ biến ở Việt Nam sử dụng nguyên liệu là thép phế, nguyên liệu đầu vào của lò cao là quặng sắt. Do đó, Hoà Phát đang tiến tới tự chủ nguồn cung nguyên liệu này nhằm hạn chế tác động của biến động giá.
Tỷ trọng nhập khẩu đang chiếm 73% tổng giá vốn toàn tập đoàn cho thấy lượng nguyên vật liệu đầu vào của tập đoàn như than, quặng,… phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung cấp hàng từ nước ngoài.
Do đó, hồi giữa tháng 5/2021, Hoà Phát mua thành công mỏ quặng sắt Roper Valley với trữ lượng dự đoán 320 triệu tấn và công suất khai thác 4 triệu tấn/năm. Điều này giúp tập đoàn tiến dần đến mục tiêu tự chủ nguồn cung quặng sắt, tối ưu chi phí sản xuất.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT ước tính, mỏ quặng sắt này có thể giúp lợi nhuận trước thuế của Hòa Phát tăng khoảng 1.530 tỷ đồng với hiệu suất hoạt động của mỏ đạt 75% trong năm 2022 (tương đương 3 triệu tấn); tổng chi phí sản xuất là 100 USD/tấn; trung bình giá quặng sắt trong năm 2022 là 120 USD/tấn.
Hiện, vua thép đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Australia, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của Tập đoàn (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Bên cạnh việc tối ưu hoá chi phí sản xuất, Hoà Phát chuẩn bị khoản tiền mặt lớn để làm vốn đối ứng cho các siêu dự án.
Được mệnh danh là "ông vua tiền mặt", Hoà Phát có tới 46.300 tỷ đồng tiền mặt vào cuối quý I/2022, mà theo chủ tịch Trần Đình Long cho biết đây là "tiền lỏng" sẵn sàng thanh toán các khoản nợ và phòng cho các trường hợp bất trắc. Đồng thời đây cũng là khoản đối ứng trong quá trình thực hiện dự án Dung Quất 2.
Có nhà đầu tư gợi ý Hoà Phát nên dùng số tiền mặt để cho vay như cách Thế giới Di động làm hoặc tăng mức chia cổ tức để không bị lãng phí.
Tuy nhiên, với phong cách kinh doanh "ăn chắc mặc bền", ông Long cho rằng số tiền mặt hơn 46.000 tỷ “không thể phiêu lưu được, vận mệnh để phát triển Dung Quất 2 là quan trọng”.
“Thậm chí, có nơi còn đề nghị vay tiền và trả lãi suất từ 18 – 20% mà Hoà Phát từ chối”, ông Long chia sẻ.
"Với doanh thu 500 tỷ đồng/ngày, tôi nghĩ rằng không có một công ty sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lớn hơn Hoà Phát. Để vận hàng tốt cần có tiềm lực tài chính vững vàng. Do đó, lúc nào cũng phải có khoản "tiền lỏng" lớn".
Sức khoẻ tài chính của Hoà Phát được duy trì an toàn ngay cả khi tập đoàn vay 35.000 tỷ đồng để xây dựng dự án Dung Quất 2. Tính đến quý I/2022, tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn là 47%, thấp nhất kể từ quý III/2018. Kể từ khi bắt đầu dự án Dung Quất 1 (năm 2017) đến nay, Hoà Phát duy trì tỷ lệ này quanh mức khoảng 50%.
Biểu đồ tỉ lệ nợ và vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của Hòa Phát qua hằng quý
Từ năm 2017 đến nay, Hoà Phát duy trì tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn quanh mức khoảng 50% (vùng màu xanh dương). Nguồn: Tổng hợp báo cáo tài chính Hòa Phát qua các năm.
Trong năm 2021, hệ số nợ vay ngân hàng trên vốn chủ sở hữu giảm còn 0,63 lần, hệ số nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu giảm còn 0,18 lần.
Hệ số nợ ở mức an toàn cho thấy khả năng tự chủ tài chính, ổn định về tài chính của tập đoàn. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, hệ số nợ vay ròng trên EBITDA đạt mức thấp như năm 2021, chỉ còn 0,35 lần, giảm 0,47 lần so với năm 2020.
Năm 2021, dự án Dung Quất 1 đi vào hoạt động với sản lượng 3 triệu tấn thép HRC. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng nhiều hơn, tăng 1,37 lần so với cùng kỳ năm trước củng cố sức khoẻ tài chính của tập đoàn này.
Trí thức trẻ