Vì sao Việt Nam đã sẵn sàng trở thành công xưởng tiếp theo của châu Á?
Việt Nam hiện được coi là điểm đến tiềm năng cho nhiều công ty đa quốc gia trong xu hướng đa dạng hóa công xưởng sản xuất bên cạnh Trung Quốc – báo cáo của Công ty chứng khoán VNDirect nhận định.
- 06-02-2020Forbes: Việt Nam lọt top 10 nơi lặn biển đáng đi nhất thế giới trong năm 2020
- 06-02-2020SSI Research: Xuất nhập khẩu của Việt Nam sớm chịu ảnh hưởng từ dịch nCoV
- 06-02-2020Kinh tế Việt Nam cần tránh tình huống thất bại kép?
- 05-02-2020Thiệt hại do virus Corona với kinh tế Việt Nam sẽ là bao nhiêu, những ngành nào chịu tác động nhiều nhất?
Việt Nam đang dần trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực sản xuất ở châu Á, đặc biệt với ngành thiết bị điện tử, nhờ những ưu thế về lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn, môi trường kinh doanh ổn đinh, vị trí địa lý thuận lợi và chính sách thương mại mở.
Theo báo cáo này, giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng trưởng ấn tượng với tăng trưởng kép giai đoạn 2014-2018 đạt 11,5%, cao nhất trong các quốc gia trong khu vực.
Sản lượng sản xuất quốc gia cũng tăng trưởng mạnh 11,8% trong cùng giai đoạn, với động lực chủ yếu đến từ các sản phẩm điện thoại/máy tính/thiết bị điện tử và ô tô (CAGR lần lượt đạt 26,5% và 18,9% trong cùng thời kỳ).
Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quy mô GDP vươn lên đáng kể từ mức 13,2% năm 2014 lên 16,5% trong 2019. Mặc dù mức độ đóng góp của ngành trong quy mô nền kinh tế còn thấp so với các nước châu Á nhưng Việt Nam là quốc gia duy nhất ghi nhận tỷ lệ này gia tăng trong một thập kỷ qua, VNDirect nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cơ cấu ngành phụ thuộc quá mức vào doanh nghiệp FDI khiến cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa bị thu hẹp.
Cụ thể, dù các nhà sản xuất nội địa đang phát triển nhưng họ không đóng góp nhiều vào chuỗi cung ứng. Bộ KHĐT cho biết trong năm 2019, chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan (30%), Malaysia (46%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam vẫn thấp. Đơn cử đối với nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng chỉ ở mức 36,3%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 46% của các nước châu Á.
Dù vậy, báo cáo VNDirect cũng chỉ ra rằng đã nhận thấy nhiều cơ hội từ các chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước.
Cụ thể như tháng 5/2018, chính phủ đã ban hành Quyết định số 598/2018 về kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025. Quyết định này nhằm thúc đẩy, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, với mục tiêu tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu trong nước, từ đó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam bước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Kế hoạch phát triển tập trung vào các lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ; Tạo điều kiện cho khu vực đầu tư tư nhân tăng trưởng…
Ngoài ra, trong năm 2020, sự chú ý cũng được dồn nhiều cho các siêu dự án được phát triển bởi doanh nghiệp nội địa.
Cụ thể như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast là dự án ô tô lớn nhất Việt Nam với tổng mức đầu tư ban đầu là 3 tỷ USD và công suất giai đoạn 1 là 250.000 ô tô và 250.000 xe máy điện/năm; Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Vinsmart có diện tích gần 14,8 ha với công suất 125 triệu thiết bị/năm; Tổ hợp thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế là 4-4,8 triệu tấn thép/năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến chế tạo vừa và nhỏ trong nước khác đã và đang mở rộng sản xuất
"Chúng tôi hy vọng các siêu dự án có thể thay đổi về mặt căn bản bức tranh ngành chế biến chế tạo nội địa, mở rộng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy xu hướng các công ty sản xuất niêm yết đang nâng cấp sản phẩm hay mở rộng chuỗi giá trị của mình bằng các dự án mớI", báo cáo cho biết.