Vì sao Việt Nam mới đón 8.500 lượt khách du lịch quốc tế?
Quy định cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế cùng với chính sách visa cho khách vào Việt Nam không thông thoáng như trước dịch... là những yếu tố khiến lượng du khách quốc tế đến chưa như kỳ vọng.
- 28-01-202211 đơn vị kiến nghị mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam ngay trong tháng 2
- 27-01-2022Thêm một quốc gia ASEAN công bố kết quả kinh tế năm 2021: Cao hay thấp so với Singapore, Việt Nam?
- 27-01-2022Bài toán nhu cầu thị trường khách quốc tế khi mở cửa du lịch
Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải pháp khôi phục du lịch quốc tế.
Theo đó, ngành du lịch Việt Nam đã tổ chức thí điểm đón khách quốc tế nhưng trong 2 tháng 11 và 12-2021 mới đón được khoảng 8.500 khách. Đây là con số khá khiêm tốn và chưa như kỳ vọng của cả doanh nghiệp lẫn ngành du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng kết quả rất khiêm tốn này do quy định cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế chưa thông thoáng, rõ ràng, chưa thống nhất trong cả nước, mỗi địa phương có thể quy định khác nhau. Khách lo lắng có sự phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách nội địa trong phòng chống dịch.
Đoàn du khách quốc tế tham quan một điểm đến ở TP HCM
Bên cạnh đó, chính sách thị thực (visa) cho khách vào Việt Nam không thông thoáng như trước năm 2020 (trước dịch Covid-19). Hầu hết khách vào Việt Nam trong thời gian này là người Việt Nam hoặc khách từ các nước Việt Nam đã miễn visa hàng chục năm, nay họ phải xin duyệt, cấp visa với nhiều thủ tục phức tạp.
"Trong khi các nước xung quanh đều đưa quy định đơn giản, thông thoáng hơn để thu hút khách, thì các quy định hiện nay của chúng ta sẽ càng khó khăn hơn trong việc thu hút khách du lịch" - ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nêu trong văn bản.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang gấp rút chuẩn bị nhanh chóng cho giai đoạn khôi phục, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép khôi phục lại các chính sách về visa cho khách du lịch đã thực hiện từ trước năm 2020, nhất là đối với các nước là thị trường nguồn chủ yếu của du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và 4 nước Bắc Âu.
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho khách du lịch từ các quốc gia này, do vậy không nên thay đổi. Nếu Việt Nam không tiếp tục miễn visa đơn phương cho công dân các nước này đi du lịch Việt Nam sẽ tạo ra một luồng thông tin trái chiều, ảnh hưởng không chỉ đến du lịch mà còn đến các ngành, các lĩnh vực khác. Ngược lại,, tùy theo điều thực tế, nếu Chính phủ cho phép miễn visa du lịch cho công dân một số quốc gia khác như Mỹ, Canada, Úc,... chắc chắn lượng khách sẽ tăng rất nhanh.
Hiện nay, các nước trên thế giới cơ bản đều quy định điều kiện phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh cho khách là giống nhau, gồm khách tiêm đủ liều vắc-xin (hoặc điều trị khỏi Covid-19 trong 6 tháng); khách có kết quả âm tính khi xét nghiệm PCR trong thời gian 72 giờ trước khi lên máy bay. Với 2 điều kiện này, khách có thể di chuyển tùy ý đến các điểm du lịch an toàn của các quốc gia.
Để thu hút khách du lịch, Việt Nam cũng cần thực hiện thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm sự công bằng giữa khách du lịch nội địa và khách quốc tế. Vì vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu cả nước thực hiện nghiêm túc quy định của bộ, không tự quy định cách ly những người có đủ điều kiện di chuyển.
Về quy định khách phải có kết quả âm tính khi thử PCR trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam là không thực tế. Trong trường hợp khách du lịch phải bay theo lộ trình 2- 3 ngày mới đến Việt Nam, việc thử PCR để có kết quả âm tính trước khi nhập cảnh là không thể. Vì vậy, chỉ nên quy định khách chỉ cần có kết quả âm tính khi thử PCR trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Việc quy định khách vào Việt Nam phải đi theo các chương trình trọn gói, do các công ty lữ hành phục vụ cũng được cho là không phù hợp. Vì vậy, nên quy định khách có đủ điều kiện về phòng dịch Covid-19 có thể đi lẻ, đi theo nhóm nhỏ theo xu thế toàn cầu hiện nay.
Trước đó, 6 hãng hàng không và 5 doanh nghiệp du lịch lớn cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đồng loạt gửi thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố ngay trong đầu tháng 2-2022 "thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam".
Điều này nhằm tạo "lực đẩy mạnh" và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31-3 hay 30-4-2022.
Người lao động